Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 12,4km bờ biển (trong tổng số 127km bờ biển) bị sạt lở nặng tập trung các khu vực như: xã Phong Hải, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; xã Quảng Ngạn, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; xã Hải Dương, TP. Huế; các xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh, huyện Phú Vang; xã Vinh Mỹ, xã Giang Hải, huyện Phú Lộc; vào mùa mưa bão tốc độ xói lở trung bình hàng năm từ 3÷5 m có nơi từ 5 ÷ 7m.
Kiểm tra thực tế điểm sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận cho thấy, tại đây bờ biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10÷30, ảnh hưởng 500 hộ dân. Tại điểm sạt lở đoạn qua xã Phú Hải, bờ biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10÷15, có nơi 20 m ảnh hưởng 300 hộ dân, công trình hạ tầng thiết yếu.
Kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. |
Tại điểm sạt lở bờ biển đoạn qua xã Giang Hải, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc cho thấy, bờ biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10÷30, ảnh hưởng 400 hộ dân, mất đường tỉnh lộ 21, công trình hạ tầng thiết yếu, nguy cơ mở cửa biển.
Qua kiểm tra thực tế tại các điểm sạt lở, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở một số địa phương ven biển của tỉnh thì việc triển khai ngay các giải pháp xử lý là rất cần thiết.
Theo đó, ông Trần Quang Hoài giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành rà soát, báo cáo các Bộ, ngành các điểm sạt lở nghiêm trọng, xung yếu để có đề xuất phương án xử lý khẩn cấp trong thời gian tới; trong đó chú trọng tại điểm sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, xã Giang Hải...
Đồng thời, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình sạt lở, nghiên cứu áp dụng các giải pháp tiên tiến, hiệu quả, khắc phục sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống xung quanh khu vực sạt lở.