Tại tọa đàm, ông Linh cho biết, chiến lược của lực lượng QLTT trong thời gian tới, ít nhất là đến năm 2025 đã cụ thể hóa thành mục tiêu rất cụ thể và đã trình Bộ cũng như Chính phủ. Đó là làm sao có những bước tiến đáng kể đẩy lùi được nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Trong chiến lược hoạt động của lực lượng, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhiệm vụ chính của lực lượng QLTT”, ông Linh nói.
Để làm được việc đó, theo ông Linh, cần phải làm rất nhiều việc, từ điều chỉnh lại chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chế tài cho đến tăng cường công tác kiểm tra thực thi đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phối hợp rất nhiều thứ, phối hợp với các lực lượng chức năng.
Đáng chú ý, trong thời gian tới QLTT tiếp tục triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm, tại các ổ nhóm, tụ điểm cụ thể.
“Chúng tôi liệt kê hiện nay trên cả nước có khoảng 20-30 tỉnh, thành phố có những tụ điểm nổi cộm về hàng giả và chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị cấp dưới liên tục kiểm tra, thực hiện bằng được thì thôi. Đến lúc người ta chán người ta không bán được nữa thì đấy cũng là một cách để đấu tranh. Tuy nhiên vẫn phải ưu tiên phối hợp để lần ra những đường dây, ổ nhóm, những kho hàng lớn thì mới triệt để tận gốc được”, ông Linh chia sẻ.
Quan trọng hơn, Tổng cục QLTT xác định trong vòng 2-3 năm tới thì lực lượng QLTT bắt hàng giả, kiểm tra hàng giả kinh doanh chủ yếu trên mạng là chính. Bởi hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng thì rất dễ, nhưng hiện nay Internet thực sự đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả, mặt trận rất nóng bỏng.
Theo ông Linh, hiện nay phải đến 80-90% hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất khó khăn, bởi vì bắt ở ngoài thực tế đã khó, bắt trên mạng còn khó hơn rất nhiều.
Hồi tháng 5, Tổng cục QLTT đã trình Bộ và trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử đến năm 2025, trực tiếp lực lượng QLTT được giao chủ trì triển khai Đề án này.
Tổng cục QLTT cũng đã mời tất cả các bộ, ngành liên quan từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính… là những đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp có nhiệm vụ trong công tác chống hàng giả để cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử.
Theo ông Linh, các công việc liên quan sẽ rất nhiều, từ việc làm sao để chống thất thu thuế trên thương mại điện tử đến việc làm thế nào dùng những biện pháp kỹ thuật internet để truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng, trên những sàn giao dịch thương mại điện tử, những mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram và gần đây nhất là Tiktok.
QLTT cũng sẽ có những kế hoạch riêng để kiểm tra các đối tượng bán hàng trên mạng hiện nay. Ví dụ như hình thức livestream ở Facebook rất phổ biến và đa phần là bán hàng giả.
“Chúng tôi coi đấy là mặt trận nóng bỏng - rất khó nhưng đây là nghĩa vụ, trách nhiệm nên chúng tôi sẽ tập trung làm mạnh mẽ. Trong thời gian tới chũng tôi sẽ phối hợp với nhiều lực lượng chức năng tập trung vào nội dung này. Chúng tôi xin khẳng định lại hàng giả và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng QLTT từ nay đến năm 2025”.