Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tổ tụng thực hiện kiểm sát các hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Viện kiểm sát sẽ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
Theo Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, trong những năm qua, công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp trong ngành KSND đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số vi phạm của Tòa án chưa được Viện kiểm sát phát hiện để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị. Ở một số Viện kiểm sát địa phương, số lượng kháng nghị phúc thẩm có xu hướng giảm và thấp hơn nhiều so với số bản án, quyết định bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án, sửa án. Số lượng kháng nghị giám đốc thẩm cũng giảm, chất lượng kháng nghị của một số Viện kiểm sát chưa đạt yêu cầu. Số văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự còn ít. Một số Viện kiểm sát trong thời gian dài không phát hiện được vi phạm của Tòa án để kháng nghị.
Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị 04/CT-VKSTC về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định. Theo đó, nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, VKSND tối cao yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật tố tụng hành chính năm 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015…
Viện kiểm sát phải phân công Kiểm sát viên tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp thuộc trường hợp luật định Viện kiểm sát phải tham gia. Trường hợp phát hiện vi phạm phải kiên quyết kiến nghị, kháng nghị để khắc phụ. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền Điều tra của Cơ quan Điều tra VKSND tối cao thì phải thông báo cho Cơ quan Điều tra VKSND tối cao để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, vị trí, vai trò của viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự như sau: Viện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật; Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này; Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.