Không hết lo ngại
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được giao cho các địa phương tự chủ. Thế nhưng, điều này cũng khiến người người lo ngại về khả năng xảy ra các vụ gian lận như tại Sơn La và Hòa Bình, đang được xét xử trong những ngày qua.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định, bê bối gian lận thi cử đang được xét xử là bài học nhãn tiền để các địa phương tiến hành tổ chức thi một cách công bằng và minh bạch. Hơn hết, kỳ thi vẫn được giám sát bởi Bộ GD-ĐT.
GS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có cải tiến hơn là giao các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức. Nói như vậy nhưng Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục giám sát việc tổ chức kỳ thi. Khi giao cho địa phương thì trách nhiệm của địa phương rất lớn, cho nên địa phương phải hoàn toàn tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn và đảm bảo được các kết quả tốt.
Trong đó, bao gồm cả vấn đề bảo mật đề thi, thanh tra phải giám sát các kỳ thi để không xảy ra những gian dối. Tôi tin chắc rằng, trong thời gian qua, tất cả các địa phương đều theo dõi các vụ án ở Hòa Bình, Sơn La đã được xét xử một cách nghiêm túc. Cho nên, tôi cho rằng kỳ thi năm nay, chắc chắn các địa phương sẽ tổ chức một cách nghiêm túc và không để xảy ra sai sót.
Có thể thấy, bài học nhãn tiền vẫn còn đó. Gian lận thi cử như ở Hòa Bình, Sơn La cuối cùng đã bị phát hiện và tất cả đều phải trả giá bằng án tù. Do vậy, tôi tin tưởng rằng, năm nay các địa phương chắc chắn sẽ không để sai sót xảy ra. Dù giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhưng vẫn có sự giám sát của Bộ GD-ĐT. Đây chính là sự tăng cường giám sát chất lượng, công bằng và minh bạch cho kỳ thi.
Hơn nữa, việc công bố công khai các phổ điểm trong học bạ của các thí sinh, cũng như phổ điểm thi cử sẽ tạo cơ sở để đối chiếu. Nếu một phổ điểm ở học bạ so với phổ điểm thi cử chênh lệch nhau quá thì chúng ta có cơ sở để giám sát và chắc chắn sẽ phát hiện ra những người sai sót mang tính khách quan và cả chủ quan. Đây là điều công bằng.
Theo TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, bài học kinh nghiệm lớn từ vụ tiêu cực thi cử năm 2018 là sự buông lỏng trách nhiệm địa phương, vì thế, năm nay quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương. Nếu thực hiện đúng tinh thần phân cấp như Thủ tướng nói, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trong kỳ thi năm nay thì sẽ không đáng lo ngại. Dù anh có tham gia hay không nhưng để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.
Nên siết khâu hậu kiểm
Để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, chặt chẽ, Bộ GD-ĐT cho biết, việc tổ chức thanh tra kỳ thi sẽ được thực hiện theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương. Trong đó, ở địa phương có Thanh tra Nhà nước của tỉnh và Thanh tra của Sở GD-ĐT; ở Trung ương là Thanh tra của Bộ GD-ĐT.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi. Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia giáo dục cho rằng, với tình hình như năm nay nếu các trường muốn có sinh viên chất lượng thì nên tập trung hậu kiểm. Ở Singapore người ta không dám gian dối để vào đại học vì nếu anh không đủ năng lực học thì dù có vào được trường cũng sẽ bị loại ra, còn giáo dục đại học của mình thì đang bị thả nổi theo kiểu “vào được, ra được”.
TS. Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống Big School cũng cho rằng, muốn giải quyết sâu xa vấn đề tuyển sinh đại học phải giải quyết từ khâu quản lý chất lượng của giáo dục đại học. Trường nào đề cao chất lượng thì họ sẽ siết chặt, nghĩa là thí sinh có thể vào “nhầm” nhưng bằng việc quản lý thi học phần, tín chỉ nghiêm túc họ sẽ loại sinh viên kém ra. Hiện nay, một số trường làm được điều này, như Đại học Bách khoa Hà Nội mỗi năm “loại” 600-700 sinh viên kém.
Hơn nữa, cũng theo TS Lê Viết Khuyến, các trường đại học vẫn tham gia vào kỳ thi nhưng không cần thiết phải cử hàng chục ngàn giảng viên đổ về các địa phương gây tốn kém như những năm trước. Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh giám sát xã hội, chứ nếu chỉ giám sát trong nội bộ thì rất dễ có chuyện bưng bít, móc ngoặc với nhau...
Một trong những quy định quan trọng của Quy chế tuyển sinh trình độ (đại học, cao đẳng) ngành giáo dục mầm non năm 2020 là: Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và cập nhật điều chỉnh thông tin (nếu có) tại các thời điểm tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT yêu cầu Đề án tuyển sinh của trường phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng các thông tin tuyển sinh theo quy định, tránh việc để thí sinh nhầm lẫn giữa quy định xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 7 của Quy chế với phương án tuyển sinh riêng của trường; giữa tên các trường; tuyển sinh đối tượng trong và ngoài tỉnh; tuyển sinh vào phân hiệu của trường với trường; chương trình đào tạo chuẩn và các chương trình đào tạo khác của nhà trường.
Thực tế, năm 2019, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các trường rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh đại học hệ chính quy, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy năm 2019. Các trường chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; gửi Đề án về Bộ GD-ĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi mùa tuyển sinh đi qua, rất hiếm sai phạm được phát hiện từ công tác thanh, kiểm tra với những điểm “vênh” giữa đề án và thực tế tuyển sinh.
Mặc dù Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công khai đề án tuyển sinh lên mạng nhưng việc trường tuyển bao nhiêu, tuyển như thế nào, tỷ lệ giữa các phương thức xét tuyển… trên thực tế có đúng như đề án tuyển sinh đã công bố hay không thì không mấy ai được biết.
Thí sinh nói riêng và xã hội muốn giám sát cũng khó vì chỉ một vài trường cung cấp thông tin đầy đủ trên trang web, còn đa số các trường tuyển sinh được bao nhiêu %, cân đối giữa chỉ tiêu học bạ và chỉ tiêu thi đánh giá năng lực/thi tốt nghiệp THPT… bao nhiêu cũng là một câu hỏi khó.
Chính vì vậy, bên cạnh việc đưa ra quy định thì việc kiểm soát, thanh, kiểm tra chặt chẽ để các trường thực hiện đúng quy định là việc Bộ GD-ĐT cũng như các đơn vị liên quan cần quan tâm. Trong đó, các chuyên gia đề xuất phải có chế tài xử phạt đối với những trường thiếu minh bạch thông tin hoặc thông tin cung cấp không đúng với thực tế diễn ra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu mới mong đảm bảo một mùa tuyển sinh chất lượng, hiệu quả.
Tăng cường thanh kiểm tra
Để đảm bảo tính trung thực, khách quan của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh, thanh tra, kiểm tra của ba cấp bộ, tỉnh, sở được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các Hội đồng thi, điểm thi, phòng thi của địa phương. Do đó, thanh tra, kiểm tra của ba cấp bộ, tỉnh, sở được thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các hội đồng thi, điểm thi, phòng thi… của địa phương.
Để việc thanh tra của 3 cấp không trùng lặp, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với thanh tra Chính phủ để chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra tỉnh tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra trong từng khâu của kỳ thi (chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo) phù hợp. Ngoài ra, Bộ sẽ huy động cán bộ, giảng viên đại học có đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong công tác thi tham gia hoạt động thanh tra, kiểm tra thi ở địa phương.
Những người tham gia vào công tác thanh tra, kiểm tra thi đều được tập huấn. Đặc biệt năm nay, Bộ còn có bài test cho đội ngũ thanh tra. Chỉ những cán bộ, công chức, viên chức đạt yêu cầu qua các bài test mới tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh: Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015 đến nay, năm nào Bộ cũng đưa ra những phương án tốt nhất, nghiêm túc nhất nhằm đạt 2 mục tiêu: Vừa xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, vừa làm căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Năm nay, dù không còn là kỳ thi “2 trong 1”, nhưng về cơ bản, cách thức tổ chức giữa kỳ thi THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn giống nhau. Vì thế, kỳ thi năm nay vẫn tạo được lòng tin của các cơ sở giáo dục đại học. Bằng chứng là hầu hết các trường đều sử dụng kết quả của kỳ thi làm phương thức tuyển sinh.
Đặc biệt, kỳ thi đã được giao cho địa phương chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ về kỳ thi. Quyết định này hoàn toàn phù hợp, qua đó sẽ giúp địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn.
Theo đại biểu, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không huy động giảng viên đại học về địa phương coi thi. Điều này cũng giảm bớt áp lực cho địa phương trong khâu tiếp đón. Tuy nhiên, chủ trương huy động giảng viên đại học tham gia các đoàn thanh tra là giải pháp tốt và cần thiết. “Tôi hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã chủ động về việc này” – Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ:
Không phải có lực lượng thanh tra Bộ thì thanh tra tỉnh hay thanh tra sở sẽ mất đi vai trò, mà các lực lượng này sẽ phối hợp với nhau để làm tốt hơn và không bị chồng chéo.
Bản thân mỗi địa phương cũng phải làm tốt khâu chuẩn bị, trong đó có thanh tra, kiểm tra. Lực lượng thanh tra được Bộ huy động từ các trường đại học sẽ giống như chốt chặn cuối cùng để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng. N.Mỹ-M.Phong