Tỷ lệ chọi cao
Theo thống kê của trường THPT chuyên Ngoại ngữ có 4.476 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi trường chỉ có 339 chỉ tiêu vào các lớp tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc (hệ không chuyên có 320 chỉ tiêu). Như vậy, tỉ lệ chọi vào trường là 1/14.
Cùng với đó, có gần 2.700 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Thí sinh làm 3 bài thi gồm Ngữ văn, Toán (vòng 1) và môn chuyên (vòng 2) trong hai ngày 26-27/5.
Đề thi môn Toán ở vòng 1 và môn chuyên ở hình thức tự luận, còn môn Ngữ văn thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Điểm trúng tuyển vào các lớp chuyên sẽ dựa trên tổng điểm thi môn Toán (vòng 1) hệ số 1 và môn chuyên hệ số 2. Các môn phải đạt từ 4 điểm trở lên. Đặc biệt, điểm môn Ngữ văn là điểm điều kiện, không dùng để tính điểm trúng tuyển.
Với thí sinh thi vào Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, kỳ thi diễn ra từ ngày 28/5 tới 29/5. Thí sinh phải làm bài thi viết 3 môn: Toán (hệ số 1), Ngữ văn (hệ số 1) với thời gian 120 phút và môn chuyên (hệ số 2).
Theo TS Nguyễn Đức Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội thì tổng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 là 5.045 em, giảm hơn 2.300 so với năm ngoái. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu hệ chuyên của trường là 350, hệ cận chuyên là 180. Như vậy, tỉ lệ chọi vào trường gần 1/9,6, tức một em phải cạnh tranh với 9 em khác, nếu tính hệ chuyên, tỉ lệ này lên tới 1/14,5.
Thí sinh chịu nhiều áp lực
Nhiều phụ huynh cho biết, kỳ thi chuyển cấp THCS lên THPT, nhất là thi vào trường chuyên, trường “top” đầu còn áp lực hơn cả kỳ thi đại học. Bởi kỳ thi này không chỉ mỗi con, mà cả bố mẹ, họ hàng như “ngồi trên đống lửa”.
Chị Thu Trà (Hà Nội), có con thi chuyên ngữ cho biết: “Mục tiêu của cháu là vào chuyên ngữ nên cháu ôn luyện căng thẳng ngay từ đầu năm học. Hàng ngày cháu thức đến 1-2h sáng để học là chuyện thường. Gia đình giục đi ngủ thì lại lén dậy học, có khi tới 3h sáng. Từ Tết tới giờ, gia đình có đi du lịch hay về quê, cháu đều “ từ chối” để ở nhà học!... Cháu căng thẳng tới mức, ăn cơm đặt bát xuống là ngồi vào bàn học, có gàn cũng không được…”.
Cũng như nhiều bà mẹ khác, đã từng ăn thi, ngủ thi căng hơn cả lũ trẻ, nhưng rồi chị Nguyễn Thị Thanh Hải (Hà Nội) đã đi qua áp lực đầy ngoạn mục. Chị chia sẻ: “Cách đây hai năm, khi kỳ thi chuyển cấp từ THCS lên THPT ở giai đoạn nước rút, còn hơn một tháng con gái đầu sẽ bước vào kỳ thi tuyển khốc liệt thì gia đình tôi đã quyết định đi du lịch một tuần tại Phú Yên. Lúc đó, kỳ thi vào lớp 10 của con gái đang ở giai đoạn “nước sôi lửa bỏng”, nộp hồ sơ, chọn nguyện vọng.
Rất nhiều phụ huynh có con học cùng khóa và nhiều bạn bè lúc đó đã không giấu nổi ngạc nhiên khi liên tục nhắn tin hỏi thăm tại sao lại đi du lịch lúc này. Khi cơn bão thi cử đi qua, chúng tôi mới tự hỏi: Áp lực của con, lỗi tại ai? Hóa ra, mọi áp lực đôi khi do chính bố mẹ tạo ra…”, chị Thanh Hải chia sẻ.