Phóng viên của một tờ báo đã cất công làm một cuộc điều tra ở các điểm khuyến mại. Kết quả cho thấy, các mặt hàng được treo biển khuyến mại, giảm giá tới 20-30% nhưng thực chất giá đều cao hơn thị trường bên ngoài (các điểm bán lẻ bình thường, lấy làm đối chứng) với cùng một mặt hàng giống hệt nhau. Thì ra, các nhà kinh doanh đáng kính dùng chiêu khuyến mại như một động thái lừa bịp “thượng đế” mà thôi!
Đang mùa mua sắm của người Việt Nam, nào là dịp Giáng sinh, nào Tết dương lịch và trước mắt, một cái Tết truyền thống sắp tới làm sôi động thị trường hàng hóa. Thời điểm này là thời cơ vàng để các nhà buôn tung ra hàng hóa và các chiêu thức thu hút người tiêu dùng mà hiệu quả hơn cả vẫn là chiêu khuyến mại mùi mẫn, đánh vào sự ham thích mua được hàng rẻ (mà tốt) của những người dành dụm cả năm trời để cho một cái tết thịnh soạn.
Người tiêu dùng cần cảnh giác với các chiêu khuyến mãi, giảm giá. Ảnh minh họa
Những điểm khuyến mại này đều nằm ở thành phố, nên bà con ở quê cũng đổ ra mua sắm, về đến nhà họ mới té ngửa ra là hàng đó mua ở thị trấn quê nhà còn rẻ hơn, đỡ mất công và tốn tiền đi lại. Khuyến mại cũng là một dịp để các thương gia tuôn ra các loại sản phẩm tồn đọng, bán ế, sắp hết đát hoặc tệ hơn, hồn Trung Hoa - da Hàn Quốc.
Vừa có những chuyện lình sình, khó chịu vì cái gọi là “bình ổn giá” mà chẳng bình ổn tí nào, vừa ít mặt hàng, vừa kém chất lượng, giá cả lại chẳng phải chăng, đã thế điểm bình ổn hình như cũng phản ảnh thâm ý của ông chủ toàn nằm ở các nơi khuất tất, khó phát hiện. Nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ đồng để bình ổn giá, tiền ấy vào túi ai?.
Hình như chẳng có chế tài nào với độc chiêu khuyến mãi theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” nên chiêu này cứ lặp đi lặp lại mãi mà vẫn hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho các nhà doanh nhân hết lòng vì người tiêu dùng và tôn vinh giá trị thương hiệu của mình. Vì vậy, đành dẫn ra câu nói nổi tiếng của Phu-xích có đôi chút cải biên: “Người tiêu dùng ơi, hãy cảnh giác!”.
Nhị Ngọc