Ngày 2/6, tại phòng Khám cấp cứu khoa Nhi, bệnh nhi đến khám với biểu hiện sốt, kêu đau đầu, buồn nôn, ngoài khám mũi họng đường hô hấp thông thường, bác sĩ đều phải kiểm tra xem trẻ có bị cứng gáy, khó cử động ở vùng gáy, đau gáy hay không bởi số ca mắc viêm màng não đang gia tăng.
Một bác sĩ cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận 6 - 8 trẻ đến khám được chẩn đoán mắc viêm màng não. Có ngày số ca bệnh lên đến 8 - 10 ca. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh viêm màng não có tăng lên ngay khi mới có nắng nóng đầu hè.
Đang chăm con bị viêm màng não tại khoa, anh Hưng (Thanh Xuân, Hà Nội) cảm thấy may mắn vì đã cho con đi khám. Trước đó, con trai được nghỉ hè nên anh cho con về quê chơi vài hôm. Trên đường đưa con về Hà Nội thì cậu bé nôn. “Bình thường chưa khi nào con nôn trên xe. Đã thấy hơi ngờ ngợ. Đến nhà con lại kêu đau đầu, ăn vào một chút lại nôn tiếp”, người cha nói.
Lúc đầu, anh đinh ninh con do về quê chạy nhảy chơi đùa nên bị cảm nắng nên chỉ dùng miếng dán nóng. Đến khi thấy con nôn sau ăn, vợ chồng anh đưa con đến phòng khám gần nhà. Dù kết quả chụp cắt lớp không cho thấy con bị chấn thương (người cha sợ con ngã ở quê do chạy nhảy) nhưng tiện ngay gần BV Bạch Mai nên anh cho con vào khám lại cho yên tâm.
“Mình cứ nghĩ không vấn đề gì, vậy mà bác sĩ khám cho bé xong, yêu cầu ở lại viện, chọc dịch não tủy để xác định xem có bị viêm màng não. Kết quả con bị viêm màng não vi rút thật”, người cha chia sẻ. May mắn là sau một đêm nằm viện thì bệnh nhi hết sốt. Hiện bé cũng không còn kêu đau đầu.
Một bác sĩ cho biết, bố mẹ nào cũng băn khoăn khi bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy vì cứ ngỡ con chỉ bị ốm sốt thông thường. Trong khi viêm màng não vi rút có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không điển hình và tùy từng độ tuổi. Thường bệnh nhân có những triệu chứng giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn.
“Với trẻ lớn ngoài những dấu hiệu trên có thể kêu đau, cứng gáy. Nếu nghi ngờ bắt buộc phải chọc dịch não tủy để xác định. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất giúp xác định hoặc loại trừ được viêm não, màng não, từ đó điều trị sớm nhất, giảm nguy cơ di chứng”, bác sĩ nói.
Bác sĩ khuyến cáo, ở thời điểm này, khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, sổ mũi, đặc biệt là kêu đau đầu và nôn không liên quan đến bữa ăn, sốt cao, kêu đau, khó cử động gáy và việc dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé.
Theo Cục Y tế Dự phòng, trong 4 tháng đầu năm 2016, mặc dù số ca mắc và tử vong do viêm não virus giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thời điểm dễ bùng phát căn bệnh này nhất là từ tháng 6-8 hằng năm. Đặc biệt, căn bệnh này có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao nên các biện pháp phòng bệnh là rất cần thiết.
Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo, để phòng chống bệnh viêm não virus, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng trại chăn nuôi; di dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ ổ bọ gậy. Không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; ăn chín, uống sôi.
Riêng đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản, để phòng bệnh, cần cho trẻ tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng lịch vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.