Người mẹ này ngờ vực: “Tại sao trước lúc gây án và sau khi gây án, kẻ gây ra cái chết cho con tôi không “mất năng lực hành vi và mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự” vì bệnh tâm thần?. Tại sao hắn chỉ bị “tâm thần” đúng vào thời điểm then chốt, lúc dùng dao chém chết con tôi? Đã có sự khuất tất đằng sau bản giám định pháp y tâm thần”.
Bản giám định tâm thần nhiều khuất tất
Hồ sơ vụ án thể hiện, vào khoảng 18h ngày 7/3/2015, Hà Cường D (Hà Cường, tên gọi khác là Hà Đức Cường, 50 tuổi, Việt kiều Mỹ) ngồi tại nhà (đường Mạc Đĩnh Chi, TP Huế) uống bia cùng 8 người bạn.
Cả nhóm uống đến 20h thì rủ nhau đến quán bia số 1 Phùng Hưng tiếp tục uống bia cho đến 21h. Lúc này, một người trong nhóm rủ cả hội đến quán Zen Beer club để tiếp tục uống bia nghe nhạc. Hà Cường cùng cả nhóm đồng ý đi uống bia “tăng ba”.
Tại quán Zen Beer club, nhóm của Cường ngồi uống bia ở bàn đối diện với quầy chỉnh nhạc. Cách đó chừng 2m là bàn của Bùi Ngọc Phương và 5 người bạn, cũng đang ngồi uống bia và nghe nhạc từ trước. Quá trình tại quán, do một số người trong hai bàn có quen biết từ trước nên qua lại mời nhau uống bia.
Đến khoảng 21h30, Hà Cường nhìn qua bàn của Phương, thì thấy Phương đang nhìn mình. Cường cho rằng người thanh niên này đang “nhìn đểu” mình nên đi qua bàn của Phương, rút dao giấu sẵn trong người, đâm vào vùng đùi phải và mu bàn tay trái khiến nạn nhân gục xuống.
Phương được mọi người đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu nhưng đến 23h30 đã tử vong. Nguyên nhân chết do đa vết thương cẳng tay trái, bàn tay trái, cộng với vết thương ở đùi phải gây đứt động mạch đùi, dẫn đến gây sốc mất máu cấp, tử vong.
Sau khi gây án, Hà Cường lấy xe chạy về nhà. Đến chiều hôm sau (ngày 8/3/2015), Hà Cường bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ. Tiến hành khám xét nhà ở để truy tìm công cụ gây án, cơ quan chức năng thu giữ được ở nhà Cường 4 hộp tiếp đạn, 56 viên đạn, 27 mũi tên, 2 cung tên, 1 dao xếp, 1 chiếc rìu, 1 đèn pin có kết hợp làm roi điện. Toàn bộ tang vật này, đều được Cường mang từ Mỹ về.
Sau khi bị bắt, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Cường về tội “Cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan chức năng cho rằng nhận thấy những bất thường trong hành vi và thái độ khai báo của bị can; cùng với việc bị can giao nộp một số chứng từ hóa đơn sử dụng thuốc an thần tại Hoa Kỳ, nên ngày 21/4/2015, cơ quan này đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Hà Cường, do Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm) tiến hành.
Ngày 28/5/2015, Trung tâm có biên bản kết luận giám định. Bản kết luận chia làm ba thời điểm trước, tại, và sau thời điểm gây án. Cơ quan này cho rằng, trước thời điểm gây án, và tại thời điểm hiện tại, về mặt y học Hà Cường bị bệnh động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách; về mặt pháp luật, bị can này giảm năng lực hành vi và giảm năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Điểm mấu chốt trong bản kết luận, Trung tâm cho rằng tại thời điểm Hà Cường gây án, về mặt y học, đối tượng này “đang trong trạng thái rối loạn ý thức của động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần và biến đổi trí năng nhân cách; do đó về mặt pháp luật đối tượng gây án bị mất năng lực hành vi và mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự”. Cơ quan này có yêu cầu điều trị bắt buộc đối với bị can.
Sau thời gian điều trị bệnh, theo quyết định của VKSND tỉnh, ngày 22/2/2016, Công an tỉnh đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với Hà Cường về tội “cố ý gây thương tích”. Đối tượng chỉ bị truy tố về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Ngày 22/6/2016 vừa qua, TAND tỉnh đã tuyên phạt Hà Cường 2 năm 6 tháng tù về tội danh trên.
Đã hơn một năm trôi qua, kể từ ngày con trai lìa đời một cách tức tưởi, dường như người mẹ đau khổ vẫn không thể chấp nhận được sự thật đau đớn đó. Bà Ngô Thị Hạnh (50 tuổi, mẹ nạn nhân Phương, ngụ khu tái định cư phường Phú Hiệp, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) bật khóc nhớ lại cái đêm oan nghiệt khiến con bà chết oan ức.
Khi bà Hạnh nghe tin hớt hải chạy vào bệnh viện, thi thể người con đã được phủ lên tấm khăn trắng toát, lạnh lẽo. Chồng bà mất hơn 15 năm trước, để lại cho bà một nách ba đứa con. Lúc ấy, đứa lớn nhất còn chưa đến 15 tuổi. Một mình với ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, bà phải bươn chải khắp nơi, buôn thúng bán bưng đủ cả, mới nuôi nổi các con nên người. “Hắn lớn lên, đi nghĩa vụ quân sự về, thì đi học lái xe. Tết năm đó vừa học xong, đang bảo đợi ăn tết xong sẽ kiếm việc làm”, người mẹ khóc.
Bà Hạnh vẻ uất ức cho rằng, kẻ gây ra cái chết cho con mình “bỗng dưng” thoát tội một cách ngoạn mục “nhờ” vào bản giám định tâm thần. “Cơ quan chức năng đã biến kẻ giết con tôi thành một người mất năng lực hành vi để không truy tố”.
Bà Hạnh ôm đơn gõ cửa khắp nơi, mong muốn được làm rõ sự việc. Bà khiếu nại quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can vì cho rằng vụ án có sự mờ ám, và Hà Cường không bị tâm thần.
Bà còn gửi đơn yêu cầu cơ quan điều tra cho giám định lại về tâm thần đối với Hà Cường ở cấp cao hơn. Tuy nhiên, công an cho rằng việc bà Hạnh yêu cầu giám định lại tâm thần đối với Hà Cường là không có căn cứ, nên không ra quyết định trưng cầu giám định lại.
Dấu hiệu che giấu tội phạm trong hồ sơ vụ án
Trao đổi về cơ sở khẳng định Hà Cường mất năng lực hành vi, mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự tại thời điểm gây án, Chủ tịch hội đồng giám định đối với Hà Cường là Thạc sĩ, bác sĩ Tôn Thất Hưng (thời điểm xảy ra vụ án là Giám đốc trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là Trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực miền Trung) cho biết:
Qua quá trình khai thác bệnh từ đối tượng, người nhà, và đối chiếu với các bằng chứng liên quan như bệnh án, cơ quan giám định xác định Hà Cường bị bệnh động kinh hỗn hợp kèm rối loạn tâm thần. Tại thời điểm gây án, bệnh nhân lên cơn, mất ý thức hoàn toàn nên có hành vi đâm người khác.
Theo ông Hưng, Cường bị bệnh động kinh từ nhỏ. Trước đây, đối tượng cũng nhiều lần đánh vợ, đánh mẹ vô cớ. Ở Mỹ, anh ta đã từng nhiều lần tự tử không thành và đã từng điều trị tâm thần.
Ông Hưng từ chối chia sẻ về hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra cung cấp, nhưng khẳng định trong hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra cung cấp không thể hiện Cường uống rượu, không thể hiện nạn nhân nhìn đểu.
Về thời điểm giám định cách thời điểm gây án là hai tháng, ông Hưng cho hay: “Cơ quan điều tra có trưng cầu giám định, thì chúng tôi mới tiến hành giám định, chứ không do chúng tôi thực hiện chậm. Nhưng hai tháng, hai năm, ba năm hay hàng chục năm vẫn giám định được”.
Ông Hưng cũng phủ nhận nghi vấn Hà Cường và người nhà đóng kịch để trốn tội cho Cường vì: Với chuyên môn của mình, cũng như bằng những kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành, bệnh nhân không thể dễ dàng giả vờ bệnh để qua mắt chúng tôi”.
Còn Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia tỉnh Thừa Thiên Huế, Luật gia Hoàng Ngọc Thanh nhận định: “Kết quả giám định trên là chủ quan và vô cảm”. Ông Thanh phân tích cụ thể: “Dựa vào đâu để cơ quan giám định cho rằng Hà Cường mất năng lực hành vi, mất năng lực chịu trách nhiệm hình sự khi gây án?
Trong lúc trước và sau khi gây án, Cường chỉ bị giảm năng lực hành vi và giảm năng lực chịu trách nhiệm hình sự do bị bệnh tâm thần? Diễn biến vụ án cho thấy, trước khi gây án, Hà Cường đã ăn nhậu liên tục 3 lần trong một đêm.
Nếu đối tượng thật sự bị mất năng lực hành vi tại thời điểm khi gây án, thì rõ ràng là do uống bia rượu hoặc chí ít là một phần do bia rượu. Trong trường hợp này, thủ phạm không những phải đi tù mà còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng”.
Vẫn theo ông Thanh, việc cơ quan điều tra không chấp nhận yêu cầu giám định lại tâm thần là không đúng quy định pháp luật và việc cơ quan điều tra ban đầu khởi tố Hà Cường về hành vi “cố ý gây thương tích” là chưa chính xác, mà phải là tội “cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”.
Mặt khác, trong lúc ông Tôn Thất Hưng cho rằng hồ sơ của Hà Cường (thời điểm gây án) không thể hiện uống bia rượu, không thể hiện nạn nhân bị cho là “nhìn đểu”. Tuy nhiên, tại biên bản giám định pháp y (đối với nạn nhân) của Trung tâm giám định pháp y tỉnh đã thể hiện điều này.
“Chỉ riêng điều này đã thể hiện nhiều vấn đề: Thứ nhất là hành vi của Hà Cương thể hiện tính côn đồ. Thứ hai, bản giám định tâm thần đã bỏ qua những chi tiết quan trọng, thể hiện sự không khách quan, che giấu tội phạm”, luật gia đánh giá.