Khu Mỏ và chặng đường 55 năm sau ngày giải phóng

Phát huy kết quả đạt được trong 55 năm qua, nhất là những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi  mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vững bước đi lên theo con đường của Bác Hồ và Đảng ta đã chọn, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.

I. Thời kỳ đấu tranh giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng,  kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1955)

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa được thành lập, đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách, phải đối phó với nhiều kẻ thù gian ác, xảo quyệt. Trên đất liền, một sư đoàn quân Tưởng với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật chốt từ Móng Cái đến Đông Triều chúng cấu kết với bọn phản động Đại Việt, Việt Cách cướp chính quyền ta tại Hòn Gai. Hàng trăm tàn quân Pháp bị Nhật đánh trong cuộc đảo chính 9-3-1945, phải chạy qua biên giới Việt Trung, nay  trở lại chiếm đóng Cô Tô, Vạn Hoa. Theo Nội dung Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 được ký giữa Chính phủ ta với Pháp, 1000 quân Pháp đã vào đóng quân ở Hòn Gai, chúng có nhiều hành động trắng trợn vi phạm nội dung Hiệp định sơ bộ. Ngoài ra, còn hàng nghìn tên phỉ được quân Tưởng che chở, xúi dục thường xuyên càn quấy, cướp bóc nhân dân, bắt cóc cán bộ.

Trước tình hình gay go phức tạp, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tưởng chừng không thể vượt qua, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Đặc khu Hòn Gai, tỉnh Quảng Yên và tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá đầu tiên (ngày 6-1-1946), làm thất bại những âm mưu và hành động lật đổ chính quyền ta, lập chính quyền tay sai của quân Tưởng, quân Pháp... củng cố và giữ vững thành quả cách mạng tháng Tám. Thành tích này được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên dương tại Hội nghị Chủ tịch các tỉnh miền Bắc năm 1946.

Bên cạnh đó, Đảng bộ và nhân dân còn chú trọng giải quyết nạn đói đang diễn ra trầm trọng ở nhiều nơi bằng cách vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất và sinh hoạt, thực hiện giảm tô, giảm tức, tiến hành tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phong trào diệt giặc đói, giặc dốt. Yêu cầu các chủ mỏ duy trì hoạt động sản xuất để giải quyết công ăn việc làm cho công nhân; tích cực củng cố các đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng tự vệ làm nòng cốt cho các phong trào đấu tranh của quần chúng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ.

Cuộc kháng chiến của nhân dân cả nước bùng nổ khi khả năng đàm phán hoà bình với thực dân Pháp không còn nữa. Chúng cố tình gây chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Thực dân Pháp buộc nhân dân ta phải đứng dậy cầm súng bảo vệ nền độc lập dân tộc, tự do của nhân dân ta vừa mới giành được. Sau khi đánh chiếm thành phố Hải Phòng và thị xã Lạng Sơn, Chính phủ Pháp đã gạt bỏ mọi khả năng thương lượng và lao sâu vào con đường xâm lược, trở lại Đông Dương bằng vũ lực.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Đặc khu Hòn Gai, tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh trên dưới một lòng, không sợ khó khăn gian khổ, hi sinh, nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân. Tiếng súng kháng chiến của quân dân Khu mỏ bắt đầu hồi 13 giờ ngày 20/12/1946.

Theo quyết định của trên, tháng 3-1947 Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên sáp nhập thành Liên tỉnh Quảng Hồng. Hội nghị đầu tiên của Liên tỉnh uỷ Quảng Hồng đề ra: đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền  kháng chiến, củng cố lực lượng vũ trang, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, đồng thời cử cán bộ về vùng tạm chiếm xây dựng lại phong trào.

Sau Đại hội Đảng bộ Liên tỉnh Quảng Hồng lần thứ nhất, công tác phát triển Đảng có nhiều thuận lợi. Đến tháng 10-1947 tỉnh Quảng Hồng đã phát triển lên 2.598 du kích. Đến tháng 12-1947, Đảng bộ tỉnh Quảng Hồng có 1.514 đảng viên, với 130 chi bộ. Các đoàn thể quần chúng như: Công hội, Nông hội, Phụ nữ, thanh niên cứu quốc phát triển 13161 người.

Tại tỉnh Hải Ninh, ngày 20/12/1946, thực dân Pháp nổ súng tấn công ta, lực lượng quân sự ở Hải Ninh đã tổ chức đánh địch rồi rút về xây dựng phòng tuyến đường số 4. Tiến hành công tác xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài.

Vượt lên những khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, quân dân Quảng Hồng, Hải Ninh từng bước trưởng thành, lần lượt giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong chiến dịch Thu Đông 1947, các chiến dịch Đông Bắc I (tháng 10-1948), Đông Bắc II (tháng 3-1949), chiến dịch Biên Giới năm 1950, là chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, quân dân Quảng Yên, Đặc khu Hòn Gai và Hải Ninh đã chiến đấu 3.159 trận, tiêu diệt và làm bị thương 22.100 tên, bắt sống 2.381 tên, thu 8.000 khẩu súng các loại...

Cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp của nhân dân ta giành được thắng lợi to lớn, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Ngày 20-8-1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh được hoàn toàn giải phóng. Tại khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả, ngày 25-4-1955, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Khu mỏ, lực lượng của ta vào tiếp quản  và tổ chức lễ ăn mừng chiến thắng với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

II. Thời kỳ xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện cho cách mạng Miền Nam (1955- 1975)

1. Khôi phục kinh tế, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa

 Sau khi miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Tháng 2-1955, Trung ương quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai thành khu Hồng Quảng. Đảng bộ tỉnh Quảng Yên và Đảng bộ Đặc khu Hòn Gai hợp nhất thành Đảng bộ khu Hồng Quảng.

Dưới ánh sáng của các Nghị quyết Trung ương, Đảng bộ khu Hồng Quảng và Đảng bộ tỉnh Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới

 Về nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, giai cấp công nhân vùng mỏ đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, làm chủ hầm mỏ xí nghiệp, đưa sản lượng khai thác than năm 1958 vượt sản lượng cao nhất thời thuộc Pháp (1.600.000 tấn/năm 1939). Trên lĩnh vực nông nghiệp, với khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, phong trào khai hoang phục hoá, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở khu Hồng Quảng và Tỉnh Hải Ninh đã thu được nhiều thắng lợi, cơ bản tự túc được lương thực, góp phần ổn định đời sống.

Phong trào cải cách ruộng đất, cải cách dân chủ đã đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ, phong kiến, mang lại ruộng đất cho nông dân. Công tác truy quét bọn phản cách mạng, bọn thổ phỉ, gián điệp do địch cài cắm góp phần làm trong sạch địa bàn, củng cố chính quyền cách mạng, củng cố niềm tin trong nhân dân, làm thất bại một bước âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Từ năm 1958, bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật xã hội chủ nghĩa. Bằng những biện pháp cụ thể thích hợp với một tỉnh biên giới, Đảng bộ Hồng Quảng và Hải Ninh đã lãnh đạo nhân dân làm ăn tập thể. Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng đã có 76% hội ngư dân và thợ thủ công vào hợp tác xã. Việc cải tạo nông nghiệp theo hình thức hợp tác xã bậc thấp đã căn bản hoàn thành.

Qua 3 năm thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể, tư bản tư nhân và thực hiện chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh, quan hệ sản xuất XHCN được hình thành, kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo, đánh dấu sự thay đổi lớn lao sâu sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh.

Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế đạt nhiều thành tựu quan trọng, có sự phát triển vượt bậc, nạn mù chữ cơ bản được xoá bỏ ở miền xuôi, toàn tỉnh cứ 4 người có 1 người đi học văn hoá. Phong trào vệ sinh phòng dịch, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được đẩy mạnh. Lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật tăng nhanh.

Tháng 10/1963 Quốc hội khoá II nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ), tại kỳ họp thứ 7 đã phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và Khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Ngày 18/11/1963, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 86-NQ/TW quyết định hợp nhất 2 Đảng bộ Khu uỷ Hồng Quảng và Tỉnh uỷ Hải Ninh thành Tỉnh uỷ Quảng Ninh.

Trước những thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai tiến hành leo thang chiến tranh, sử dụng không quân và hải quân tiến hành đánh phá miền Bắc. Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Đảng bộ Quảng Ninh đã nhanh chóng chuyển hướng mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Ngay trong trận đầu ra quân, đã bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên phi công Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Bắc.

Với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “không có gì quý hơn độc lập tự do”, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quân và dân Quảng Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã đoàn kết một lòng, với tinh thần làm chủ nước nhà, làm chủ công trường, xí nghiệp, làm chủ ruộng đồng, đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất và chiến đấu.

Trong 8 năm chiến tranh phá hoại ở Quảng Ninh, giặc Mỹ đã dùng 8.000 lượt chiếc máy bay ném 388.732 quả bom, hàng trăm quả thuỷ lôi. Nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, quân dân Quảng Ninh kiên trì bám trụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu đánh trả máy bay kẻ thù 5.150 trận, bắn rơi 200 chiếc. Với những thành tích đó nhiều lần được ghi tên vào lá cờ quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Năm 1968 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ‘Cờ thưởng luân lưu quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

  Với những thành tích đã đạt được cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhất, 11 đơn vị được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

III. Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN (1975 - 2005)

1. Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù (1975- 1985)

 Vừa ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, vết thương cũ chưa lành, khó khăn mới lại ập đến. Thiên tai lũ lụt liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến lao động sản xuất, đời sống. Tình hình biên giới Tây Nam , biên giới phía Bắc có biến động lớn. Các thế lực phản động thù địch đẩy mạnh bao vây cấm vận, tăng cường hoạt động chống phá, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, V của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV (1976-1977) đã đề ra hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ  V (1977-1980) đề ra nhiệm vụ "Đẩy mạnh  và  phát  triển sản xuất , xây dựng  cơ  sở  vật  chất  kỹ  thuật cho nền kinh tế ".

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI xác định  "Đẩy  mạnh  sản xuất, ổn định đời sống, tăng cường công tác quốc phòng an ninh"

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII đề ra nhiệm vụ chiến lược "Tập trung phát triển sản lượng lương thực, thực phẩm, hàng xuất  khẩu, hàng tiêu dùng "

Thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, trong giai đoạn 1975-1985, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đó vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

Công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng, củng cố vững mạnh. Tỉnh uỷ đã có nhiều Chỉ thị, nghị quyết chỉ đạo, kịp thời củng cố an ninh quốc phòng vùng biên giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Các huyện biên giới, hải đảo, các vùng xung yếu được củng cố. Tình đoàn kết quân dân ngày càng gắn kết. Việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng bước đầu được thực hiện đúng đắn.

 Trên lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp đuợc tỉnh chú trọng đầu tư và có những bước tiến quan trọng. Về nông nghiệp: năm 1983 được Hội đồng Bộ trưởng tặng cờ luân lưu. Trong sản xuất công nghiệp, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 22%, than địa phương năm 1984 khai thác được 32.072 tấn,  tăng gấp 2 lần năm 1980.

Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá có nhiều tiến bộ, hàng năm nhiều đội tuyển học sinh của tỉnh đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực phía Bắc, đội ngũ giáo viên bình quân tăng 343 người/năm. Công tác y tế phát triển nhanh. Đến năm 1984 Quảng ninh đã có 24 bệnh viện, 3 Viện điều dưỡng. Đội ngũ y bác sỹ thường xuyên được tăng cường đảm bảo trình độ năng lực khám chữa bệnh cho nhân dân.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nhất là cơ sở Đảng vùng biên giới, trong các cơ sở và ban ngành trọng yếu. Công tác phát triển đảng viên giai đoạn 1981-1985 bằng 2 lần giai đoạn 1976-1980. Đến năm 1985, số cơ sở Đảng được công nhận vững mạnh chiếm 26,4% so tổng số tổ chức cơ sở đảng, 2/12 Đảng bộ huyện, thị xã được Trung ương công nhận đạt tiêu chuẩn vững mạnh.

2. Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng (1986 - 2006)

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI về đổi mới, Đại hội lần thứ VII, lần thứ VIII, lần thứ IX, lần thứ X và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ VIII (tháng 10-1986), lần thứ IX ( tháng 10-1991), lần thứ X (tháng 5-1996), lần thứ XI (tháng 1-2001), lần thứ XII ( tháng 11-2005). Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng nhân dân cả nước bước vào công cuộc đổi mới đất nước.

Để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, Đảng bộ đã vận dụng và tích cực triển khai đường lối đổi mới và các Nghị quyết của Trung ương. Trọng tâm là xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, từng bước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn 1986 - 1991, Đảng bộ tập trung lãnh đạo thực hiện Ba Chương trình kinh tế lớn của Đảng là lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Lãnh đạo các sở ngành tập trung giải quyết tốt những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông, mạnh dạn xoá bỏ bao cấp, thực hiện cơ chế 1 giá, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, giải phóng mọi năng lực sản xuất. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương, nhất là công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp. Triển khai sâu rộng cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội. Đồng thời sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

Giai đoạn 1991-1995, mặc dù trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có những biến động phức tạp, tác động đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, quán triệt tinh thần đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới một cách sâu sắc, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước xã hội hoá công tác giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, thể thao, dân số kế hoạch hoá gia đình. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức theo quan điểm: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.. Đổi mới công tác vận động quần chúng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Trong 5 năm, nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,3% (vượt mục tiêu Đại hội IX đề ra), giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng bình quân 11,5%, sản lượng than sạch từ 3,8 triệu tấn (năm 1991) lên 7,3 triệu tấn; giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng bình quân 4,75%/năm. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP tăng từ 30,7% (năm 1991) lên 33,5% (năm 1995), các ngành dịch vụ tăng từ 42,7% (năm 1991) lên 48% (năm 1995). Thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân 43,6%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 26,6%/năm, năm 1995 tăng gấp 3 lần năm 1990. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, doanh thu du lịch hàng năm tăng bình quân 51%, số lượng khách tăng 52%. Tổng vốn đầu tư đạt trên 2000 tỷ đồng.

Trải qua 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã tạo nên thế và lực mới để đất nước (nói chung) và tỉnh Quảng Ninh (nói riêng) bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Với quan điểm phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; trong đó công nghiệp và du lịch làm trọng tâm, giai đoạn 1996 - 2000, Đảng bộ lãnh đạo tập trung phát triển nhanh kinh tế đối ngoại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chú träng phát triển du lịch đồng bộ. Đẩy mạnh khai thác, quản lý kinh tế biển, tận dụng lợi thế về đất đai, tài nguyên, khoáng sản. tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, Mặc dù bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế gới năm 1997, nhưng tốc độ tăng GDP giai đoạn 1996 -2000 vẫn đạt 9,6%, tuy chưa đạt mục tiêu đại hội đề ra nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, lĩnh vực công nghiệp tăng bình quân 18,3%/năm. Khai thác than năm 1997 đạt 10 triệu (đạt mục tiêu Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ); giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng bình quân 7,7%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 14,4%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2000 tăng gấp 3 lần năm 1995. GDP bình quân đầu người năm 2000 tăng gấp 2 lần năm 1990.

Văn hoá xã hội phát triển và có những tiến bộ mới, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao được củng cố, xây dựng, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên. Năm 1997, toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, các nhu cầu thiết yếu của nhân dân được đáp ứng ngày càng tốt hơn. Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo được các cấp các ngành tích cực thực hiện.

Giai đoạn 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục được duy trì ở mức cao và ổn định, tổng sản phẩm GDP tăng bình quân 12,75% đạt kế hoạch đề ra. GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 726 USD, bằng 1,65 lần so với năm 2000; tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,1%/năm; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 7,85%, vượt chỉ tiêu đề ra. Giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ tăng bình quân 15,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 10,65%/năm, trong đó thu nội địa tăng 21,95%/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 5 năm đạt 49.700 tỷ đồng. Trong nhiệm kỳ đã thành lập mới 1.546 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 10.229 tỷ đồng. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có 73 dự án và 7 chi nhánh với tổng số vốn đăng ký 553,6 triệu USD.

Công tác xoá đói giảm nghèo thu được kết quả tốt, đã huy động mọi nguồn lực với sự tham gia của các thành phần kinh tế và các lực lượng vũ trang. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 10,22% năm 2000 xuống dưới 4% năm 2005. Hoàn thành chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo. Thực hiện có kết quả chính sách người có công và các đối tượng xã hội, phong trào đền ơn đáp nghĩa các hoạt động bảo trợ xã hội được mở rộng.

Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng Quảng Ninh đã hình thành nền sản xuất công nghiệp đa ngành: Khai thác và chế biến khoáng sản, đóng tàu, sản xuất xi măng, điện, cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến thuỷ sản, dầu thực vật, bột mì, may mặc...với trình độ khoa học, công nghệ cao.

Từ một tỉnh khó khăn phải dựa vào trợ cấp của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhất cả nước, trở thành một đỉnh trong tam giác kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, Đại hội IX của Đảng bộ xác định cơ cấu kinh tế là "Công nghiệp - nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch", đến Đại hội XI đã xác định cơ cấu kinh tế của tỉnh là "Công nghiệp, du lịch - dịch vụ và nông nghiệp". Qua các năm, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo chi phối nền kinh tế.

 Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tốt, nhất là công tác xoá nghèo và hỗ trợ xây nhà cho người nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng. Các gia đình chính sách được thực hiện bảo hiểm y tế miễn phí. Cuộc vận động xoá đói giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.

Công tác Quốc phòng - an ninh được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn  xã hội được đảm bảo. Phong trào "toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc" được đẩy mạnh. Lực lượng vũ trang có sự điều chỉnh, bố trí lại lực lượng cho phù hợp trong điều kiện tình hình mới. Lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp với lực lượng vũ trang nước bạn làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự vùng biên, phối hợp giải quyết những vấn đề có liên quan trong phạm vi cho phép. Chủ động ngăn chặn những âm mưu và hành động phá hoại, gây chia rẽ tình hữu nghị lâu bền giữa nhân dân hai nước, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị có chuyển biến tiến bộ. Các cấp uỷ Đảng đã chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bồi dưỡng có hệ thống các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác phổ biến thông tin, thời sự cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, toàn xã hội. Công tác kiểm tra được tăng cường trên nhiều mặt, thường xuyên, định kỳ và đột xuất… Công tác cán bộ được chăm lo, bám sát theo yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỉnh uỷ tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường kỷ cương đi đôi với thực hiện quy chế dân chủ để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, động viên phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện các chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, giúp nhau làm giàu chính đáng… góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng bộ.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, mặc dù gặp những khó khăn cả khách quan và chủ quan, song Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả khích lệ. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006 đạt 13,78%, năm 2007 đạt 13,11%, năm 2008 đạt 12,5%.

Năm 2009 tình hình kinh tế - xã hội Quảng Ninh tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh uỷ, cùng cấp uỷ và chính quyền các cấp đã chủ động nắm chắc tình hình, nghiên cứu lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; khai thác tốt thời cơ, đề ra những chủ trương phù hợp giải quyết tốt nhiều vấn đề trước mắt có tính chiến lược, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển những năm tiếp theo. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chủ động báo cáo Bộ Chính trị làm việc, kết luận nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh như: Kết luận số 47 - KL/TW của Bộ chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XII và những chủ trương, giải pháp phát triển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 34 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt quy hoạch phát triển Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đến năm 2020...

Năm 2009, là năm Quảng Ninh đặc biệt chú trọng tăng đầu tư từ ngân sách địa phương để đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.  Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 đạt 10,3%, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp phát triển; sản xuất nông nghiệp vượt qua được khó khăn, tiếp tục phát triển; khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá; thu ngân sách nhà nước tăng cao, chi ngân sách địa phương đáp ứng yêu cầu đề ra. Xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách có tiến bộ vượt bậc. Huy động vốn đầu tư phát triển tiếp tục tăng, trong đó đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng cao nhờ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương. Duy trì tốt trật tự trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh than; giải quyết dứt điểm một số "điểm nóng" về đền bù giải phóng mặt bằng. Lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm, chất lượng dạy và học có chuyển biến; công tác chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng trẻ có chuyển biến. Chất lượng khám, điều trị và phòng chống dịch bệnh đạt kết quả. Đầu tư cho an sinh xã hội tăng cao, an sinh xã hội được đảm bảo. Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng có sự đổi mới và tiến bộ; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và quy chế dân chủ ở cơ sở triển khai có kết quả tích cực.

IV. Những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra

Tiếp tục đổi mới toàn toàn diện, mạnh mẽ và đồng bộ, động viên mọi nguồn lực để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; phấn đấu phát triển kinh tế với tốc độ cao, ổn định, bền vững, gắn kết với các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thành một địa bàn động lực, phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cơ bản thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và định hướng đến năm 2020: Xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và quốc tế, một khu vực phát triển năng động của kinh tế ven biển và biển, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; có thế và lực ngày càng lớn thúc đẩy sự phát triển và khả năng cạnh tranh. Một số nhiệm vụ trọng tâm:

1. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 13,5 - 14%/năm, tạo các điều kiện  cần thiết để kinh tế phát triển ổn định, bền vững và đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn những năm tiếp theo.

2. Tiếp tục đầu tư đồng bộ và có chiều sâu cho phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm, lĩnh vực có lợi thế, có giá trị xuất khẩu cao và có khả năng canh tranh. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20 - 21%. Phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kế hoạch xây dựng các nhà máy xi măng, nhiệt điện, cơ khí, đóng tàu ở Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Yên Hưng, Hải Hà và khu cụm cảng quốc tế Vân Đồn.

3. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nhiệp nông thôn, đặc biệt chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ và cơ cấu sử dụng đất; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ.

4. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, tập trung cho các ngành dịch vụ có đóng góp cao cho nền kinh tế như du lịch, vận tải, kho cảng, thương mại... phấn đấu giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng 16 - 18%.

5. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại - du lịch và đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, phấn đấu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 10 - 15%/năm.

6. Triệt để tiết kiệm đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước; tăng chi cho đầu tư phát triển. Có chính sách thu hợp lý để vừa đảm bảo nhiệm vụ thu vừa tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu. Phấn đấu thực hiện tổng đầu tư toàn xã hội tăng 15 - 20%/năm.

7. Chăm lo phát triển văn hoá đồng bộ với kinh tế, coi văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển mạnh các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hoá thể thao phục vụ yêu cầu của nhân dân và yêu cầu của trung tâm du lịch nghỉ dưỡng.

Tiếp tục đổi mới và phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển mạng lưới đào tạo nghề để tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 lên 50%. Đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình phổ cập giáo dục bậc trung học. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ. Tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường.

Giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, trước hết là vấn đề việc làm cho người lao động. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng  nghèo, xã nghèo. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực: Giáo dục, văn hoá, y tế, thể dục thể thao.

8. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ trên 4 lĩnh  vực: thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức và tài chính công. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quả lý của cấp uỷ, chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

9. Củng cố quốc phòng an ninh, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hơn nữa vai trò của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư.

10. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Nâng cao tính thiết thực, hiệu quả cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII và Đại hội lần thứ XI của Đảng. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nề lối và phương pháp làm việc của cấp uỷ các cấp. Đổi mới nội dung hoạt động và xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc và đồng bộ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Phát huy kết quả đạt được trong 55 năm qua, nhất là những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi  mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Quảng Ninh quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh, vững bước đi lên theo con đường của Bác Hồ và Đảng ta đã chọn, xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh

                         

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.