Vì vậy, nhiều vị cán bộ có chức quyền yên tâm với cương vị của mình, chỉ lo giữ ghế và củng cố ghế chứ không nghĩ đến chuyện phải thực thi đúng trách nhiệm, cương vị.
Chúng ta luôn xác định phải củng cố, xây dựng bộ máy cán bộ hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, vì dân, vì nước. Song, trên thực tế thì bộ máy ngày càng phình to, nhũng nhiễu ngày càng nhiều, lời than phiền từ dân không ngớt..., thế mà có trường hợp “cả nhiệm kỳ không kỷ luật được một ai”, trường hợp như thế này là khá phổ biến trong lĩnh vực quản lý, sử dụng cán bộ.
Bây giờ mọi việc có thể khác đi bởi những nhà lãnh đạo địa phương có những động thái quyết liệt hơn, sát thực hơn và không ngại đụng chạm, không sợ mất lòng, không dung túng, bao che sai phạm. Có lẽ việc thay đổi này bắt đầu từ hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi những sai phạm, lừng chừng, gây khó cho doanh nghiệp, hành dân... của các cán bộ bị phê phán trực tiếp và nhằm đúng vào “cái ghế” của người đó, sẵn sàng “trảm tướng” nếu thấy cần thiết.
Chí ít, chỉ dừng ở lời cảnh báo thôi cũng đủ để được lòng dân và có tác động nhất định đến đội ngũ cán bộ, dỡ bỏ dần sự trì trệ trong vận hành bộ máy. Đầu năm 2016 này, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Quy định số 01 bắt buộc các cán bộ chủ chốt trong tỉnh phải cam kết giữ đúng đạo đức, tác phong người cán bộ, không để cấp dưới nhũng nhiễu, hoặc nếu để vợ con tham gia ảnh hưởng đến chức trách sẽ phải thôi việc hoặc chuyển công tác. 114 cán bộ chủ chốt cấp trưởng và phó đã ký cam kết trách nhiệm này.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khẳng định đây là căn cứ để xác định trách nhiệm chính trị và pháp lý, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm cam kết này và khẳng định quy định này sẽ đi vào đời sống chính trị tại địa phương. Chúng ta còn nhớ, cách đây không lâu chính ông đã ra lệnh cách chức Bí thư Đảng ủy một xã nhũng nhiễu, trù dập người dân đến nỗi người thương binh già phát điên.
Đã có những tín hiệu mới, khả quan và đáng khích lệ trong việc điều hành, quản lý, xây dựng bộ máy cán bộ, siết chặt kỷ cương, phép nước, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức. Việc “không làm được thì nghỉ” không còn là một lời cảnh báo mà sẽ là hiện thực.