"Không đổi mới sẽ tiếp tục lãng phí" là quan điểm chung của các đại biểu đến từ các cơ quan, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tại cuộc tọa đàm về “Đổi mới cơ chế quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong doanh nghiệp” do Ban quản lý 585 (Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp) tổ chức sáng qua.
Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước trong doanh nghiệp là vấn đề không mới, nhưng luôn “nóng” vì có nhiều vấn đề pháp lý phát sinh.
Đến nay, cả nước có khoảng 1.210 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (trong đó có 94 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực độc quyền của Nhà nước, công ích, an ninh quốc phòng, những ngành, lĩnh vực bảo đảm cho cân đối vĩ mô hoặc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, với tổng vốn Nhà nước trên 400.000 tỷ đồng, đóng góp gần 40% GDP.
Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng khối tài sản trên lại đang “mắc 2 căn bệnh trầm kha” là kém hiệu quả và thất thoát mà việc “điều trị” lại không dễ dàng.
Ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp) khẳng định: “Vấn đề quản lý tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp đã được điều chỉnh bằng một hệ thống văn bản pháp luật”, nhưng 4 cơ chế quản lý theo qui định pháp luật hiện nay gồm: cử người đại diện cho sở hữu chủ, phân công quản lý, giám sát và minh bạch hóa “đều không hiệu quả”.
Phân tích kỹ hơn 4 cơ chế này, ông Huệ cho rằng, việc cử người đại diện không rõ ràng đã khiến vốn (tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp) bị sử dụng tùy tiện, phân tán, không đúng mục đích. Và cũng vì tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp được giao cho “quá nhiều đầu mối” nên “không có người lo từ A đến Z”, đùn đẩy trách nhiệm.
Nhìn từ “bài học của Vinashin”, PGS.TS.Thiếu tướng Lê Văn Cương (Viện Khoa học Chiến lược – Bộ Công an) tán thành quan điểm của ông Huệ và cho rằng, mô hình các tập đoàn, tổng công ty kinh tế Việt Nam là chưa ổn, còn chứa đựng quá nhiều bất cập, lỗ hổng về mặt cơ sở pháp lý và cơ chế hoạt động. Việc giám sát, kiểm tra đối với hoạt động sử dụng và quản lý tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp chưa phát huy tác dụng.
Nhưng quan trọng nhất là “vấn đề sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa được các định rõ ràng, cụ thể. Đây là lỗ hổng lớn nhất về mặt lý luận. Chứng nào chưa lấp được khoảng trống này, thì Vinashin không phải là “bài học” cuối cùng, mà còn nhiều “bài học” khác”, ông Cương nhận định.
Do vậy, từ thực trạng này, cần “điều chỉnh” bằng cách khắc phục tính phân tán với việc thành lập một cơ quan quản lý tập trung tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, cần xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước, không để “áp dụng cơ chế đơn giản để điều chỉnh một cơ chế phức tạp”. Đặc biệt, ông Cương kiến nghị, phải minh bạch hóa các hoạt động quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp cũng như “xây dựng hệ thống giám sát quyền lực có hiệu quả”.
Huy Anh