Thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tại hội trường chiều qua, nhiều đại biểu quốc hội đề nghị cần những qui định cụ thể để bảo vệ quyền lợi người người tiêu dùng vì pháp luật hiện hành qui định về vấn đề này chưa đầy đủ, nên người tham gia bảo hiểm thường rơi vào tình trạng “chưa mua thì thấy hay, mua rồi mới thấy mình cầm dao đằng lưỡi”.
Có quỹ để bảo đảm an toàn
Thành lập quỹ bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm (BH) là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Bà Phạm Thị Loan (TP.Hà Nội) cho rằng cần thành lập quỹ này vì hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi người mua BH chưa thỏa đáng. Với quỹ này sẽ đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho người mua BH cũng như thị trường tài chính khi doanh nghiệp (DN) kinh doanh bảo hiểm (KDBH) gặp sự cố.
Trong khi đó, theo ĐB Phạm Trung Nhân (TP.Cần Thơ), khi DN KDBH bị phá sản thì đã có nguyên tác giải quyết theo Luật Phá sản. Bên cạnh đó, thành lập quỹ sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa có qui định về người quản lý, điều hành quỹ, hiệu quả sử dụng quỹ… và đặc biệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá phí BH vì DN KDBH phải trích từ doanh thu BH của mình cho quỹ này. Do đó, không cần thiết thành lập quỹ này. Cho Hợp tác xã KDBH
Tán thành quan điểm của Ủy ban Kinh tế, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị bổ sung qui định Hợp tác xã (HTX) KDBH vào dự thảo Luật vì HTX cũng là tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân.
Phân tích rất kỹ về lợi ích của các HTX KDBH – một mô hình hiện đang được nhiều nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản áp dụng hiệu quả - ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) cho biết, BH nông nghiệp hầu như là do các HTX KDBH cung cấp vì các DN KDBH có lợi nhuận “không ưa” loại hình BH nông nghiệp, trong khi BH nông nghiệp cũng rất cần thiết ở một quốc gia có hơn 70% dân số sống bằng nghề nông như nước ta. Do vậy, bổ sung loại hình HTX KDBH vào dự thảo Luật là phù hợp.
BH qua biên giới và BH nội bộ
Cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực BH và các dịch vụ liên quan đến BH khi gia nhập WTO cho phép cung cấp dịch vụ BH qua biên giới cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Song nhiều ĐB cho rằng, hoạt động này có liên quan đến việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thông qua thanh toán phí BH, cũng như dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua thanh toán bồi thường tổn thất nên cần được qui định cụ thể, trong khuôn khổ cam kết với WTO nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ được dịch vụ BH qua biên giới đối với dịch vụ gốc (sản phẩm dịch vụ BH trực tiếp) để tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế của Nhà nước.
Về vấn đề BH nội bộ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: “Trước đây, có một số Tập đoàn, TCty xin phép thành lập Cty BH. Qua giám sát, Chính phủ thấy, việc đầu tư ra bên ngoài của các Tập đoàn, TCty phải hạn chế nên đã khống chế. Bên cạnh đó, các DNBH được thành lập chủ yếu hoạt động nội bộ làm thị trường bị chia cắt. Do đó, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật KDBH có qui định phải đấu thầu dịch vụ BH để tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường BH”.
Huy Anh