Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội xác định rõ nhu cầu vốn của Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) nhằm đảm bảo “không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì thiếu tiền đi học”.
Ngày 21/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành.
Hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn
Sau 5 năm thực hiện Chương trình 157, hơn 3 triệu lượt HSSV đã được vay vốn và hiện còn 1,9 triệu hộ gia đình đang vay vốn cho trên 2,3 triệu HSSV đi học, với tổng doanh số cho vay đến nay là 43.362 tỷ đồng, bình quân là hơn 7.200 tỷ đồng/năm; tổng doanh số thu nợ đạt 7.776 tỷ đồng ,dư nợ là 35.802 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 167 tỷ đồng (chiếm 0,47%).
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chương trình đã giúp hàng triệu HSSV được tiếp tục đi học, học nghề, góp phần bổ sung lực lượng cho đội ngũ trí thức và lao động có tay nghề cho xã hội.
Nguồn vốn của chương trình ngày càng được đảm bảo, không để xảy ra trường hợp người vay phải ngừng học vì không có tiền đóng học phí.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết những năm qua ngành ngân hàng, tài chính và kế hoạch đầu tư luôn cân đối ngân sách cho vốn tín dụng HSSV, cùng với Bộ Tài chính tính toán để sử dụng vốn bảo lãnh của Chính phủ vào hoạt động tín dụng này như giúp các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội…
“Nếu các nguồn trên chưa đủ thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng đứng ra tái cấp vốn cuối cùng để Ngân hàng Chính sách xã hội có vốn cho hoạt động này”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao hiệu quả của Chương trình tín dụng HSSV - Ảnh: VGP/Thành Chung |
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, số lượng hộ gia đình vay đang tiến tới mức ổn định và tỷ lệ thu hồi vốn nợ từ tín dụng HSSV đang tăng (năm 2010 các hộ vay đã trả 950 tỷ đồng, đến năm 2012 là 4.385 tỷ đồng) là căn cứ để hoàn toàn dự báo được nhu cầu vốn đến hết năm 2013 và đề nghị các bộ, ngành làm rõ nhu cầu này để bố trí vốn.
Công tác kiểm tra, giám sát luôn được tăng cường, chỉ để xảy ra 2 hộ gia đình vay không đúng đối tượng (hộ nghèo)/1,9 triệu hộ được vay, giảm gần như tuyệt đối so với 1.700 hộ vay không đúng đối tượng bị phát hiện năm 2008.
Ngoài ra trên 95% số hộ trả nợ đúng hạn cũng là một con số đáng kể từ các chính sách ưu đãi của Quyết định 157, giúp người vay có động lực trả nợ, góp phần quay vòng vốn của Chương trình.
Theo tính toán những năm tới, nguồn vốn tín dụng cho HSSV sẽ ổn định ở mức từ 40.000- 50.000 tỷ đồng, sẽ là căn cứ để cơ cấu vốn cho phù hợp. Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị Chính phủ không chỉ cho phép các ngân hàng thương mại tham gia vào chương trình mà còn huy động tiền nhàn rỗi từ các quỹ bảo hiểm xã hội để đảm bảo vốn cho tín dụng HSSV.
Đẩy mạnh tạo việc làm cho người vay vốn
Nhằm đảm bảo tính ổn định từ nội tại của chương trình tín dụng HSSV, một số ý kiến phát biểu tại hội nghị khuyến cáo chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục và tình trạng thiếu việc làm hiện nay khiến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm để trả nợ cho Chương trình tín dụng HSSV.
Do đó, các ý kiến đề nghị các bộ, ngành liên quan phải tăng cường chất lượng đào tạo trong các cơ sở dạy nghề, đại học và tạo nhiều việc làm cho sinh viên để khi ra trường họ sớm tìm được việc, có thu nhập để trả nợ số vốn đã vay để đi học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý cho biết tỷ lệ sinh viên ra trường có việc ngay với các trường ĐH, CĐ công lập là 70%, còn hệ dân lập thì thấp hơn.
Để giải quyết khó khăn này, ngành giáo dục những năm qua đã tổ chức nhiều diễn đàn tư vấn tuyển sinh cho học sinh để chọn nghề phù hợp với khả năng của mình. Từ năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các trường đại học, cao đẳng tư vấn việc làm cho sinh viên, phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm việc, đào tạo kỹ năng nghề và tiếp nhận sinh viên khi ra trường.
Bên cạnh đó, với những ngành nghề đã dư thừa nhân lực (kế toán, tài chính, ngân hàng), Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên quyết không cho phép tuyển sinh tiếp mà khuyến khích, hỗ trợ tuyển sinh các ngành nghề đang thiếu nhân lực như cơ khí, công nghệ, nông – lâm - ngư…
Về vấn đề gia hạn chậm trả nợ do HSSV chưa có việc làm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cơ quan liên quan trước mắt cần rà soát lại việc gia hạn chậm trả nợ để có cách tháo gỡ hợp lý, nhưng không được gây sức ép quá lớn và nâng cao trách nhiệm với những đối tượng vay vốn.
Về một số kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội về phát triển tín dụng cho HSSV, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành liên quan cần xem xét mức tăng hỗ trợ mức vay bình quân thêm 100.000 đồng - 200.000 đồng/HSSV/tháng gắn với lộ trình tăng học phí, nghiên cứu bổ sung các hộ cận nghèo có 2 con đi học đại học, cao đẳng được nhận vốn vay từ Chương trình…
Theo Chinhphu.vn