Chiều 11/11, Chính phủ đã trình QH dự án Luật TCTT nhằm bảo đảm thực hiện quyền TCTT với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định.
Tăng tính chủ động công khai thông tin
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, thực tế, công dân chưa được bảo đảm cung cấp thông tin một cách chính thống bởi các cơ quan Nhà nước tạo ra thông tin đã tạo cơ hội cho những thông tin không đúng sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội, ảnh hưởng tới sự đồng thuận xã hội trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật.
Việc không minh bạch, kịp thời trong cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước cũng tạo nên sự bất bình đẳng trong việc TCTT, đồng thời dẫn đến nguy cơ rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước; gây khó khăn cho việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, cản trở quá trình hội nhập quốc tế, từ đó làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Vì vậy, dự thảo Luật TCTT quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bố trí cán bộ đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin; lập Danh mục thông tin phải được công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp…
Đồng thời, quy định các thông tin phải được công khai, các hình thức, thời điểm công khai thông tin nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí TCTT cho người dân.
Để bảo đảm giữ bí mật thông tin mà pháp luật quy định phải được giữ bí mật, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin trong việc kiểm tra trước khi công khai thông tin, nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật về bí mật thông tin.
Dự thảo Luật cũng quy định việc cung cấp thông tin theo yêu cầu, các trường hợp từ chối yêu cầu cung cấp thông tin theo hướng rõ ràng, dễ áp dụng và tránh lạm dụng trong thực tiễn.
Hướng tới tính khả thi của dự án Luật
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban pháp luật nhận thấy, việc bảo đảm quyền TCTT có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức và hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Tuy nhiên, dự án Luật được xây dựng một mặt nhằm bảo đảm để công dân thực hiện được quyền TCTT theo quy định của Hiến pháp, mặt khác phải bảo đảm không được làm ảnh hưởng đến các quyền chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác, nhất là trong điều kiện khoa học, kỹ thuật phát triển, thông tin bùng nổ, đa dạng, đa chiều như hiện nay.
Vì vậy, để Luật TCTT có tính khả thi thì cần phải làm rõ, giải quyết một cách thỏa đáng các vấn đề về TCTT và thông tin được tiếp cận; người được quyền TCTT; người có trách nhiệm cung cấp thông tin; điều kiện, phương thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT...