Không đăng kiểm ô tô vì chưa nộp “phạt nguội”: Cần giải quyết hài hòa, đúng luật

Không đăng kiểm ô tô vì chưa nộp “phạt nguội”: Cần giải quyết hài hòa, đúng luật
(PLO) - Gần đây, việc hàng chục nghìn chủ xe ô tô bị cơ quan đăng kiểm từ chối kiểm định với lý do mắc lỗi phạt nguội vi phạm giao thông và chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phạt, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng, việc chặn đăng kiểm do chưa nộp phạt nguội chưa thấu đáo bởi nhiều chủ xe bị oan khi “bỗng dưng” nhận được yêu cầu nộp phạt. 

Chủ xe “khóc dở, mếu dở”

Mới đây, anh V.N.T (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) phản ánh với báo chí về việc đang sở hữu một ô tô trị giá 350 triệu đồng nhưng bị phạt nguội với tổng số tiền 148 triệu đồng. Anh T chia sẻ, lâu nay anh dùng xe này để kinh doanh dịch vụ Uber. Gần đây, khi nắm bắt việc Cổng thông tin điện tử Công an TP HCM có đăng tải danh sách các xe vi phạm nên anh T lên kiểm tra thì sững sờ vì thấy xe của mình vi phạm tới 49 lần, hầu hết là chạy quá tốc độ lúc qua hầm vượt sông Sài Gòn.

Với 49 lần vi phạm, anh T phải đóng phạt lên đến 148 triệu đồng, bằng gần một nửa giá trị phương tiện. Tuy nhiên, việc “bỗng dưng” nhận được yêu cầu nộp phạt khiến anh T “khóc dở, mếu dở”. Một phần vì anh T là chủ sở hữu song lại không điều khiển phương tiện thời điểm vi phạm, phần khác vì từ trước đến nay anh không hề nhận được giấy mời hay thông báo vi phạm nào của Cảnh sát giao thông.

Tương tự, tại Hà Nội cũng có không ít chủ phương tiện khi đưa ô tô đi đăng kiểm thì bị từ chối do chưa nộp tiền phạt nguội vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trường hợp anh N.A.T ở Hà Đông (Hà Nội) là một ví dụ. Theo anh N.A.T, cá nhân anh cũng ngã ngửa khi bị từ chối đăng kiểm mà nguyên do lại xuất phát từ việc chủ cũ phương tiện “dính” phạt nguội từ 1 năm trước. Do vẫn giữ biển xe cũ nên để được đăng kiểm, anh phải đi nộp gần 2 triệu đồng tiền phạt.

Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải, từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã nhận danh sách hơn 16.000 ô tô vi phạm được lực lượng chức năng thông báo trên hệ thống. Hiện tại, mới có 5.500 chủ phương tiện nộp phạt và được đăng kiểm trở lại. Các trường hợp mà Cục Đăng kiểm từ chối giải quyết chủ yếu gồm các xe bị phạt nguội và những người bị các lực lượng chức năng lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt. 

Còn nhiều băn khoăn

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, 9 tháng đầu năm, đơn vị đã xử lý hơn 4.200 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua hệ thống camera, tước hơn 4.000 giấy phép lái xe. Trong đó, hơn 1.000 lượt vi phạm chưa chấp hành việc nộp phạt theo giấy thông báo của Trung tâm Tín hiệu đèn.

Theo quy trình, khi tài xế vi phạm Luật Giao thông đường bộ được ghi nhận qua camera, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về chủ xe. Sau thời gian một tháng, khi người vi phạm có dấu hiệu không đóng tiền phạt, Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông tin xe vi phạm về Cục Đăng kiểm. Tại đây, Cục Đăng kiểm sẽ đưa dữ liệu vào hệ thống tra cứu để các trung tâm biết tình trạng xe vi phạm. Khi chủ xe đến kiểm định, nhân viên đăng kiểm sẽ tra trên hệ thống và thông báo. Chủ xe phải đóng tiền phạt mới được kiểm định xe.

Khách quan nhìn nhận, việc cơ quan nhà nước sử dụng đăng kiểm để buộc các chủ phương tiện phải thực hiện nộp phạt là một chủ trương có thể thúc đẩy ý thức của người và phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý như vậy cũng tồn tại nhiều vướng mắc khi việc phạt chỉ căn cứ vào phương tiện, trong khi chủ phương tiện lại không phải là người sử dụng. 

Anh Nguyễn Minh Tiến – một tài xế taxi băn khoăn: “Nguyên tắc xử phạt hành chính là xử phạt hành vi của người vi phạm. Chẳng hạn, tôi kinh doanh dịch vụ cho thuê xe tự lái, thời điểm bị ghi hình để xử phạt không phải tôi điều khiển phương tiện, nếu cứ xử phạt thì các chủ phương tiện như chúng tôi sẽ rất oan uổng”. 

Trao đổi về những băn khoăn này, đại điện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong trường hợp người điều khiển ô tô vi phạm không phải chủ xe mà là người mượn xe hoặc người thuê xe thì chủ phương tiện không bị xử phạt. Tuy nhiên, chủ phương tiên vẫn có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để tìm ra ai là người đã điều khiển xe để cơ quan chức năng xử lý.

Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh vẫn còn nhiều khó khăn, người dân chưa hiểu thông suốt, thiếu hợp tác với cảnh sát giao thông, dẫn đến hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh chưa cao. Hơn lúc nào hết, với những băn khoăn  của các chủ phương tiện thì khâu tuyên truyền, giải quyết linh động và hài hòa là hết sức cần thiết. 

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.