“Bài toán” đặt ra cho cộng đồng khởi nghiệp du lịch nội địa hiện tại là làm sao có thể thích ứng nhanh chóng với “cuộc chơi” mới sau dịch nhằm mở rộng thị phần và doanh thu, tăng khả năng cạnh tranh và khẳng định thương hiệu Việt trong và ngoài nước.
Khởi nghiệp du lịch châu Á “thay đổi diện mạo”
Đại dịch COVID-19 đã tác động đến rất nhiều công ty khởi nghiệp (startup) du lịch tại châu Á. Vào những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả nguồn lực đều được tập trung để phòng chống dịch, giới đầu tư chuyển hướng đầu tư sang các kênh tài chính khác an toàn hơn. Để vượt qua khó khăn, nhiều startup đã chuyển hướng sang các lĩnh vực khác để “sinh tồn” như bán đồ ăn, hàng lưu niệm,… cùng với đó là cắt giảm nhân sự và các chi phí khác để “cầm chừng”.
Bên cạnh yếu tố nguồn vốn, những điểm cốt yếu khác của một startup du lịch còn nằm ở sự độc đáo, tính ứng dụng cao của dự án và kỹ năng quản lý, sự đam mê của người điều hành. Đến nay, hầu hết các dự án khởi nghiệp du lịch thường gắn với ứng dụng công nghệ. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch, qua đó có thể vừa khai thác các yếu tố từ nhu cầu của khách du lịch, vừa kết nối tương tác giữa nhu cầu của khách và khả năng cung ứng của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch.
Ví dụ như câu chuyện của KKday, một nền tảng đặt phòng du lịch trực tuyến ở Đài Loan, đã từng thu hút hàng chục triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư lớn bao gồm Alibaba và Line và liên tục báo cáo doanh thu tăng trưởng trong nhiều năm trước dịch. Khi COVID-19 ập đến, hầu hết đơn đặt phòng bị hủy, doanh thu của KKday lao dốc 90%. Tình hình nguy cấp buộc công ty chuyển hướng sang một ngành kinh doanh khác hoàn toàn với kế hoạch kinh doanh ban đầu là bán hàng lưu niệm và đồ ăn trực tuyến. Mặc dù “trái nghề” nhưng những mặt hàng như bánh dứa Đài Loan, nước sốt kem cua, ly thủy tinh núi Phú Sĩ,… đã phần nào “cứu vớt” doanh thu của KKday. Thậm chí, chính công ty này còn nhìn nhận rằng hướng kinh doanh mới thực sự đem đến hiệu quả nhất định.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), có đến 75% quốc gia trên thế giới đóng cửa hoàn toàn với du khách nước ngoài trong một thời gian dài. Phần lớn các công ty du lịch truyền thống đều đối mặt với tình trạng khó khăn, phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô, hoặc phải chuyển hướng sang ngành nghề kinh doanh khác, thậm chí đóng cửa.
Các startup du lịch có nguồn lực hạn hẹp hơn nhiều, do đó không nằm ngoài xu hướng chung của du lịch toàn cầu. Nhiều nhà sáng lập startup du lịch khác ở châu Á cũng đưa ra quyết định như KKday khi buộc phải xoay sang kinh doanh kiểu “trái nghề” trong thời điểm dịch bệnh. Đơn cử, Sun Hongbo, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành startup thương mại điện tử chuyên bán hàng miễn thuế Bonflite, “chữa cháy” bằng cách chuyển sang gia công khẩu trang và thiết bị y tế để giảm nhẹ thiệt hại doanh thu do dịch bệnh. Đáng nói, khẩu trang của Bonflite, thuê gia công từ Trung Quốc, đã bán ra ở hơn 10 nước ở Trung Đông, châu Âu và Mỹ. Startup này cũng hợp tác với các cửa hàng miễn thuế để giao các mặt hàng như hàng mỹ phẩm và rượu đang kẹt ở các nhà kho ở sân bay đến tận nhà khách hàng.
Mặt khác, nền tảng đặt phòng trực tuyến Klook (Hồng Kông), nhận được khoản vốn đầu tư mạo hiểm từ Tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản), cũng “dấn thân” vào lĩnh vực đặt chỗ nhà hàng, giao đồ ăn và nguyên liệu nấu nướng tại nhà. Eric Gnock Fah, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc hoạt động Klook, bắt đầu tính đến việc điều chỉnh hoạt động lâu dài để thích nghi với tình hình thị trường đang thay đổi do tác động của đại dịch COVID-19.
Dịch bệnh khiến du lịch gần như “đóng băng” trong hai năm qua không chỉ cho thấy những khó khăn và thách thức, mà còn mở ra những cơ hội và nhu cầu mới. Có thể thấy, startup du lịch có nhược điểm là nguồn lực hạn chế nhưng lại có lợi thế là khả năng chuyển biến, thích ứng với tình hình mới rất nhanh so với những doanh nghiệp truyền thống khác.
Trước dịch, hàng loạt startup du lịch được thành lập, thu hút đầu tư và phát triển nhanh chóng bởi nhu cầu du lịch tăng cao. Trong dịch, sự phát triển này đã bị chững lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang phục hồi nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá cơ hội cho các startup du lịch lại một lần nữa sẽ bùng nổ, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch thông minh và du lịch bền vững.
Đơn cử, Walk in Hong Kong, một công ty chuyên về tour đi bộ thăm viếng các địa điểm văn hóa ở Hồng Kông, đã tổ chức cho hơn 700 sinh viên tham gia các tour du lịch ảo (virtual tour) các công trình biểu tượng ở thành phố này qua video và hình ảnh. Chương trình du lịch ảo này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hồng Kông và đã giúp Walk in Hong Kong tăng doanh thu sau khi công ty này bị cấm tổ chức các tour du lịch đông người trong nhiều tháng để tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Olivia Tang, Giám đốc Walk in Hong Kong cho hay, thành công ban đầu của các tour du lịch ảo này đã truyền cảm hứng để công ty tiếp tục cung cấp thêm nhiều sản phẩm du lịch ảo khác, kể cả sau dịch.
Công ty KKday phải “chuyển nghề” để sống sót qua dịch. |
Gỡ khó cho khởi nghiệp du lịch Việt
Trước sự thay đổi của các startup du lịch trong khu vực châu Á, các startup du lịch Việt Nam cũng cần nhanh chóng thích ứng để bắt kịp “cuộc chơi” này. Đáng nói, ngành Du lịch Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh kể từ khi mở cửa hoàn toàn vào ngày 15/3 là cơ hội “vàng” cho các công ty khởi nghiệp du lịch hoạt động trở lại và vươn lên khẳng định thương hiệu Việt, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch số. “Bài toán” đặt ra cho cộng đồng khởi nghiệp du lịch nội địa là làm sao có thể mở rộng thị phần và doanh thu, tăng khả năng cạnh tranh với các công ty nước ngoài đã và đang làm chủ thị trường du lịch Việt trong nhiều năm nay.
Steven Nguyễn, nhà sáng lập nền tảng đặt phòng trực tuyến Luxstay từng nêu nhận định rằng: “Sau đại dịch, thói quen và hành vi của khách du lịch trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng có nhiều thay đổi, về cả lựa chọn địa điểm, thời gian, hình thức cũng như chi phí”. Các ví dụ dễ thấy nhất là làn sóng du lịch trực tuyến (virtual travel), xu hướng livestream để quảng bá du lịch, sử dụng các công nghệ không chạm tại các điểm đến du lịch ngày càng phổ biến, ngày càng nhiều du khách có thói quen tham khảo các bản đồ du lịch trực tuyến hay các ứng dụng trước khi quyết định đặt hành trình.
Nền tảng đặt phòng Airbnb cũng đã cho ra mắt trải nghiệm trực tuyến, trong đó có hoạt động sinh hoạt mang tính địa phương nhiều hơn là giới thiệu phong cảnh thiên nhiên (ví dụ, cùng người dẫn chương trình nấu các món ăn địa phương…) tại Việt Nam. So với các startup du lịch nước ngoài có nhiều lợi thế về nguồn lực, quy mô, đầu tư, nhân sự… các chuyên gia đánh giá startup du lịch Việt Nam vẫn chưa có nhiều bứt phá và phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại và bên ngoài doanh nghiệp.
Cụ thể, họ phải gánh chịu nhiều thiệt hại về doanh thu do tác động tiêu cực trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, phải cắt giảm nhân sự và chi phí vận hành, nên việc duy trì để “sống sót” đã khó khăn, chưa nói đến việc đột phá. Du lịch phục hồi góp phần tăng thêm động lực cho các công ty khởi nghiệp tái khởi động, thay đổi để phù hợp với những xu hướng du lịch của du khách, nhưng câu chuyện không hề dễ dàng. Một trong những khó khăn lớn nhất là tìm kiếm nguồn đầu tư phù hợp.
Trước dịch, nhiều cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp du lịch hay công bố hỗ trợ công ty khởi nghiệp du lịch đã góp phần hỗ trợ nhiều ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả. Điển hình là dự án Tubudd tạo nên nền tảng công nghệ kết nối du khách và cư dân địa phương, qua đó du khách có thể thuê người dân bản địa ở bất cứ nơi nào họ đến, với một mức giá phù hợp.
Hay dự án Vufood mang đến ý tưởng máy pha chế cà phê và trà sữa tích hợp bán hàng tự động, đồng thời cũng là một cây tra cứu dữ liệu di động với việc tích hợp thông tin và ứng dụng phục vụ khách du lịch tìm kiếm thông tin. Dự án GoEat Me lại tạo nên nền tảng thông tin về du lịch và văn hóa ẩm thực thông qua sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để cá nhân hóa trải nghiệm của du khách.
Ngành Du lịch cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo, sáng tạo, khai thác các giá trị tiềm năng hiện có và lan tỏa dịch vụ du lịch ra các vùng, lĩnh vực khác. Nhiều ý kiến cho rằng, để khởi nghiệp du lịch sáng tạo có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, không chỉ cần nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, tổ chức mà còn rất cần đến những chính sách hỗ trợ, sự cổ vũ mạnh mẽ từ phía Nhà nước.