“Làm thế nào Ban phụ huynh hoạt động độc lập, không bị nhà trường giật giây, các khoản thu tự nguyện phải thể hiện nguyện vọng của đông đảo phụ huynh chứ không phải do mấy “đại gia” áp đặt” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi bức xúc khi nói về các khoản lạm thu trong trường học tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (28/9).
Một lớp học vùng cao |
Lạm thu chưa giảm
Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 Quốc hội khóa XII, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết: một trong những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm và Ban Dân nguyện đã tổ chức các hoạt động giám sát đó là tình trạng lạm thu các khoản đóng góp khác nhau ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm.
Đáng lưu ý là khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cho đến nay chưa có địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Trên thực tế, ở nhiều địa phương, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở giáo dục đã lạm dụng quy định về sự đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng sửa chữa trường lớp, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo…”Việc thu chi này không được công khai, minh bạch, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh” - ông Hiền nhấn mạnh.
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong đó có sự “vênh” nhau giữa hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo với Luật Giáo dục hiện hành, mặc dù đã lưu ý việc huy động đóng góp phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện nhưng thực tế các cơ sở giáo dục đã vận dụng quy định nêu trên để thu các khoản đóng góp.
Thừa nhận thực tế nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi bức xúc: “Phải có cơ chế cho Ban phụ huynh hoạt động mà không bị nhà trường giật giây, các khoản thu tự nguyện phải thể hiện nguyện vọng của đông đảo phụ huynh chứ không phải do mấy “đại gia” áp đặt. Nếu cần phải bỏ phiếu kín”.
Khắc phục tình trạng này, Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tiến hành tổng kết thực tiễn việc thu chi học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản đóng góp khác ngoài học phí, trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 105 Luật giáo dục nhằm bảo đảm các quy định pháp luật về vấn đề này phù hợp với thực tế…
Thiếu minh bạch trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bên cạnh vấn đề lạm thu, báo cáo giám sát còn đề cập đến việc chậm thực thi miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập tại nhiều địa phương. Trong khi các đối tượng chính sách như học sinh dân tộc thiểu số, sinh viên con gia đình hộ nghèo ở nhiều vùng trong cả nước… chưa được giải quyết miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập thì vẫn có những học sinh là con hộ gia đình khá giả, có thu nhập cao hơn nhưng vì có hộ khẩu thường trú ở địa bàn nêu trên lại được miễn, giảm học phí.
Qua nhiều kỳ họp, cử tri ở nhiều địa phương tiếp tục kiến nghị xem xét lại việc quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, dư luận xã hội vẫn còn nhiều bức xúc cho rằng việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không công khai, minh bạch...
Tuy đề cập nhiều vấn đề nhưng theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhận xét, báo cáo chưa nêu rõ những bất cập trong giải quyết kiến nghị cử tri. “Phải tìm ra các nguyên nhân của những hạn chế trong xử lý đơn thư và tiếp dân để có hướng giải quyết” bà Doan nói.
Chung nhận định, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa lại nêu thực tế có nhiều kiến nghị kéo dài từ Quốc hội khóa XI mà không được giải quyết. “Phải đánh giá đúng chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri. Những trường hợp hứa rồi mà chưa giải quyết, lý do tại sao, trách nhiệm thế nào?” ông Khoa “truy”.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cam kết sẽ tiếp thu những vấn đề mà thường vụ cho ý kiến, tiếp tục chỉnh sửa báo cáo trước khi đưa ra Quốc hội.
Bình An