Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; các đồng chí Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng, Mai Lương Khôi. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành Tư pháp đó là: Phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tư pháp; rà soát, sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo cử nhân luật. Xác định rõ hệ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và kinh nghiệm thực tiễn đối với từng chức danh, nhân lực tư pháp.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phát biểu khai mạc. |
Tại Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ đã có nhiều chỉ đạo và nỗ lực trong việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức; không ngừng nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ. Từ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được đào tạo, bồi dưỡng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, bước đầu đã hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn một số hạn chế. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tham dự nhận diện đầy đủ những khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để từ đó hiến kế các giải pháp, định hướng nhằm thúc đẩy được vai trò, sức mạnh của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong công cuộc xây dựng và phát triển Bộ, ngành.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng. |
Đặc biệt, Vụ Tổ chức cán bộ cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, phản ứng nhanh trước các chủ trương, định hướng về đào tạo, bồi dưỡng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tổng thể xây dựng và phát triển ngành Tư pháp. Đồng thời tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ban cán sự đảng về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2024 – 2030, báo cáo Ban cán sự đảng xem xét, quyết định.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết: Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp thực hiện việc: đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp quản lý; đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên trình bày dự thảo báo cáo. |
Cụ thể, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp Học viện Tư pháp xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”; Phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật”.
Từ năm 2020 đến 2023, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tổ chức 94 lớp cho 9.320 học viên. Ngoài ra, Vụ còn thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chọn, cử 1.648 lượt công chức đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ ở trong nước và nước ngoài.
Về đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật, chỉ tiêu và quy mô tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội tăng đều qua các năm. Trong đó, năm 2023, quy mô đào tạo của Trường đạt trên 15.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, so với chỉ tiêu của Đề án đặt ra cho giai đoạn 2022-2025 thì số lượng trên đã đạt 85%, tạo tiền đề thuận lợi cho việc đạt và vượt yêu cầu của giai đoạn này.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu. |
Về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, Học viện Tư pháp đã tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch của Bộ triển khai Đề án 1155/QĐ-TTg. Trong giai đoạn 2020 - 2024, Học viện Tư pháp đã tuyển sinh, đào tạo được 26.618 học viên các lớp đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; xét và cấp Chứng chỉ/Giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 13.987 học viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng cho hơn 23.000 học viên.
Về đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, từ tháng 7/2020 đến nay, các Trường Cao đẳng luật miền Bắc, Trung, Nam đã tuyển sinh 2.471 học sinh, sinh viên; tổ chức bồi dưỡng, chuẩn hoá chuyên môn, nghiệp vụ cho 6.771 học viên.
Đào tạo, bồi dưỡng cần trở thành nhu cầu tự thân
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã được nghe đại diện các đơn vị thuộc Bộ thông tin các kết quả đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị mình; đồng thời cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác này như tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò của công tác nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; đa dạng hoá nguồn tài chính…
Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái. |
Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Đoàn Trung Kiên. |
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu. |
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh báo cáo, đánh giá một cách toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ngành.
“Đào tạo, bồi dưỡng là một quá trình “dài hơi”, do đó công tác này cần đặt trong hoàn cảnh cụ thể để xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó cần đảm bảo tính liên tục và đề cao tính tự giác, chủ động, nhận thức đúng về yêu cầu công việc và nhu cầu của bản thân. Đây là biện pháp cơ bản và lâu dài”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, các nghị quyết, quy định, quy chế. Điểm lại một số kết quả nổi bật, Bộ trưởng khẳng định vai trò, vị thế của cán bộ Tư pháp ngày càng được nâng lên nhờ việc đóng góp tích cực trong công tác tham mưu, xây dựng hệ thống pháp luật, tham mưu xử lý các vấn đề khó khăn của đất nước.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo. |
Tuy nhiên, Bộ, ngành Tư pháp ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần nâng cao nhận thức về đào tạo, bồi dưỡng là nhu cầu tự thân của mỗi người; kết hợp hiệu quả, khéo léo trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong Bộ, ngành Tư pháp với các biện pháp hành chính; tối ưu hóa nguồn kinh phí, đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…
Ngoài ra Bộ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề đối với Trường Đại học Luật Hà Nội trong triển khai các đề án nhằm nâng cao vị thế trong khu vực và quốc tế; các Trường Cao đẳng luật lưu ý về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy; các đơn vị thuộc Bộ tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng đào tạo tại chỗ…