Cách đây tròn 60 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho CNXH thắng lợi... Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ...". Luật KH&CN 2013 quy định ngày 18/5 hằng năm là "Ngày KH&CN Việt Nam".
Mở đầu bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại một câu nói nổi tiếng thế giới "xã hội phát triển nhờ khoa học". Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lại càng thấy rõ vai trò quan trọng của KH&CN.
Điểm lại quá trình phát triển, ứng dụng KH&CN trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; giai đoạn đổi mới đất nước… Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nền KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam là quốc gia đạt tiến bộ và có tiềm năng lớn với giá trị ngày càng tăng về đổi mới sáng tạo, nhất là với thế hệ trẻ. Nhiều DN lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm, tập trung đầu tư cho phát triển KH&CN. Chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới.
Thế nhưng trong khoa học, nếu chỉ có đơn thuần nghiên cứu phát minh, thì có thể chỉ là một cái máy, có thể đi sai hướng. Trong khoa học, còn cần phải có văn hóa. Vì vậy, Thủ tướng mới nêu rõ: "Trong khoa học, phải có ước mơ, hoài bão; phải có nhiệt huyết, đam mê; phải có khát vọng, niềm tin; phải có mục tiêu, lý tưởng; phải có sự nỗ lực và kiên trì; phải có lòng tự trọng và niềm tự hào dân tộc".
Đơn cử 10 năm trước, ít ai dám tưởng tượng internet, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, mạng xã hội… sẽ phổ biến tại Việt Nam như hiện nay. Chúng ta đã được xếp hạng là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số sử dụng internet và mạng xã hội nhiều bậc nhất thế giới. Nhưng nghiên cứu sử dụng tiếp cận khoa học cũng cần nền tảng văn hóa. Cần định hướng sao để những người phát minh sử dụng công nghệ khoa học tiếp cận tri thức tốt đẹp, phát huy tinh thần ham học hỏi, bay bổng sáng tạo những điều hữu ích; chứ không phải sử dụng điện thoại thông minh chỉ để xem những chuyện nhảm nhí vô bổ độc hại tự đầu độc chính mình và những người xung quanh. Đó chính là vấn đề văn hóa trong khoa học.