Các “ông trùm” buôn lậu thuốc lá đang “nương” vào những kẽ hở của pháp luật để tổ chức vận chuyển hàng trăm triệu bao thuốc lá lậu vào Việt Nam/năm, làm chảy máu ngoại tệ và thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
800 triệu bao thuốc lá ngoại đã thẩm lậu vào Việt Nam trong năm 2009 |
Càng chống càng…căng
Là “điểm nóng” về buôn lậu thuốc lá khu vực biên giới phía Tây, trong 3 năm ( từ 2007-2009), mỗi năm tỉnh An Giang bắt giữ, tiêu hủy 1 triệu bao thuốc lá nhập lậu. 3 năm, 3 triệu bao thuốc lá nhập lậu đã bị xử lý song không vì thế thuốc lá lậu trên cung đường này “giảm nhiệt”. Ông Huỳnh Thanh Tâm, Cục trưởng Cục Hải quan An Giang “ khái quát” : càng “truy rát”, lực lượng buôn lậu càng liều lĩnh và thủ đoạn hơn. Mùa khô, hàng lậu được đầu nậu thuê đai vác chạy “tiếp sức” qua các cánh đồng lúa trong vành đai biên giới, mùa lũ, chúng dùng xuồng máy chở hàng lậu luồn lách qua các con mương, lợi dụng đêm khuy, trời tối để tập kết hàng lậu vào nhà dân ven bờ, tổ chức canh đường, dùng xe máy chạy tốc độ cao đưa hàng vào nội địa.
Nan giải hơn, khu vực này có những “xã buôn lậu, làng vận chuyển hàng thuê qua biên giới” nên lực lượng chống buôn lậu phải đối mặt với dân mỗi khi dân bao che hàng lậu. Hình ảnh điển hình thường thấy ở tỉnh An Giang là đối tượng đai vác hàng lậu gặp lực lượng chức năng thì “bỏ của chạy lấy người”, bắt giữ được hàng, cơ quan chức năng tìm chủ hàng, đầu nậu như “mò kim đáy bể”.
Nóng không kém An Giang, Hải quan Quảng Trị cho biết chỉ riêng thống kê tại cửa khẩu Lao Bảo, mỗi ngày có khoảng 500.000 bao thuốc lá nhập lậu vào nội địa. Năm 2009, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ, tiêu hủy hơn 1,1 triệu bao thuốc lá nhập lậu, là địa phương thứ 3 (sau Long An và An Giang) có số lượng lớn thuốc lá lậu bị bắt giữ, tiêu hủy.
Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, năm 2007 thuốc lá lậu “chảy” vào Việt Nam khoảng 630 triệu bao, năm 2008 con số này tăng lên hơn 700 triệu bao và năm 2009 là hơn 800 triệu bao. Tại một số địa phương, thuốc lá lậu đã chiếm thị phần tiêu thụ rất lớn như : Cần Thơ 70% thị phần, Tp Hồ Chí Minh 46% thị phần, các tỉnh Nam Bộ chiếm 41% thị phần.
Gỡ khó từ hành lang pháp lý
Trong khi nạn buôn lậu thuốc lá không ngừng gia tăng thì các giải pháp ngăn chặn triệt để vấn nạn này lại kém hiệu quả. Số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ và tiêu hủy hàng năm chỉ khoảng 1% so với số lượng thuốc lá đã nhập lậu và đang được lưu thông, tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Xử lý hình sự hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ 1500 bao thuốc lậu lá trở lên Bộ Công Thương đang soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh rượu, thuốc lá. Theo đó, chế tài xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu sẽ tăng lên theo hướng xử lý thuốc lá nhập lậu như xử lý hàng cấm. Với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1500 bao trở lên, cơ quan phát hiện, thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tố tụng hình sự có quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự mà chuyển sang xử phạt vi phạm hành chính thì mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền là 100 triệu đồng. |
Lý giải cho con số khập khiễng này, đại diện Ban chỉ đạo 127 Trung ương cho rằng nguyên nhân chính do việc xử phạt hành vi buôn lậu thuốc lá còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe và trấn áp tội phạm. Bên cạnh đó, các đầu nậu, trùm buôn lậu thuốc lá rất tinh vi và tận dụng kẽ hở của pháp luật để tránh bị xử lý. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được nhiều vụ thu gom, vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu trên thị trường nội địa với số lượng lớn, có giá trị hàng hóa tương đương hàng trăm triệu đồng nhưng không thể xử lý hình sự do không chứng minh được yếu tố biên giới.
Ngược lại, khu vực biên giới, bọn buôn lậu thuê các đối tượng xé lẻ, đai vác hàng lậu qua biên giới với số lượng vài ngàn gói mỗi lần. Khi bị bắt giữ, lực lượng chức năng chỉ có thể xử lý hành chính do giá trị hàng hóa vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự.
Điển hình như tại An Giang, PC 15- Công an tỉnh An Giang đã điều tra và lập được danh sách 316 đối tượng vận chuyển hàng lậu chuyên nghiệp và lập hồ sơ theo dõi 137 điểm tập kết, cất giấu trung chuyển thuốc lá lậu ở khu vực biên giới và các tuyến đường chính. Thế nhưng để “xóa sổ” các điểm “nóng” này không phải ngày một ngày hai. “ Nghị định 43/NĐ-CP đưa thuốc lá điếu xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh ban hành từ tháng 5/2009 nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn nên khó để chúng tôi có thể áp dụng nhằm răn đe hành vi buôn lậu thuốc lá”, thiếu tá Đặng Tấn Đắc, Phó trưởng phòng PC 15- Công an tỉnh An Giang cho biết.
Mới đây, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, ban hành gấp thông tư hướng dẫn Nghị định 43/NĐ-CP, đồng thời, loại bỏ mặt hàng thuốc lá ra khỏi chính sách ưu đãi cư dân biên giới. “Với quy định cư dân vùng biên giới không được phép mua bán, vận chuyển, kinh doanh qua biên giới mặt hàng thuốc lá điếu, chúng tôi hy vọng sẽ ngăn chặn hiệu quả các đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách ưu đãi cư dân biên giới để tổ chức buôn lậu thuốc lá” - ông Trần Thái Sinh- Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam khẳng định.
Thanh Lương