Giá trị vẻ đẹp đích thực
“Tự hào phụ nữ Việt Nam/ Chuyên tâm việc nước, việc nhà đảm đang/Xứng danh với tám chữ vàng/Bác Hồ khen tặng vẻ vang rạng ngời”, bốn câu thơ trên là một trong vô vàn những ý thơ tôn vinh phụ nữ dân tộc Việt Nam. Không chỉ là đề tài muôn thuở trong thi ca mà còn cả hội họa và nhiều loại hình nghệ thuật khác, vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ Việt đã khơi nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao nghệ sĩ, thi sĩ để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Giá trị nghệ thuật của những tác phẩm này đem lại đã tái hiện vẻ đẹp của người phụ nữ qua nhiều khía cạnh góp phần tôn vinh những giá trị cốt lõi nhất của người phụ nữ Việt Nam.
Trải qua hàng nghìn năm từ thuở lập nước đến nay, vai trò và hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đã có nhiều thay đổi, vì thế tiêu chuẩn về vẻ đẹp của ngày hôm nay dù được kế thừa song cũng có nhiều khác biệt so với trước kia. Điểm chung chính là ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, vẻ đẹp của mỗi người phụ nữ Việt Nam không chỉ nằm ở váy áo mà còn ẩn sâu, bừng sáng lên từ vẻ đẹp tâm hồn bất tận. Đó là hình ảnh của những người phụ nữ dịu dàng, đảm đang, giỏi việc nước, đảm việc nhà và yêu thương chồng con hết mực. Chưa hết, họ còn là những anh hùng trong thời chiến, chứa đựng sức sống tiềm tàng mãnh liệt, oai phong, dũng cảm của người phụ nữ cầm súng, cầm chông đánh đuổi kẻ thù xâm lược, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước.
Trở lại thời kỳ khó khăn, gian khổ của các cuộc đấu tranh giành và giữ vững độc lập dân tộc, thế hệ các bà, các mẹ, các chị đã không quản ngại hy sinh, vượt qua biết bao thử thách mà tưởng chừng như quá sức chịu đựng của con người. Trong thời đại đó, dù ở bất kể vị trí nào, phụ nữ Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ xung phong ra chiến trận, hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam đã được gắn với danh hiệu của những nữ sĩ quả cảm chống giặc ngoại xâm cho đến hình ảnh những người mẹ, người vợ lần lượt tiễn những đứa con yêu thương, người chồng “đầu gối tay ấp” lên đường ra trận, rồi không ngày trở về. Họ là những bà mẹ anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng. Là những cô gái đánh đổi thanh xuân, quên hạnh phúc riêng tư của mình cho hoà bình dân tộc.
Trước những sự hy sinh thầm lặng, những mất mát, đau thương đó, ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Bác Hồ đã tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Tám chữ vàng là sự đúc kết sâu sắc truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, truyền thống đó luôn được gắn liền với truyền thống của dân tộc. Đây cũng được coi như một sự ghi nhận xứng đáng với những gì mà các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã cống hiến, đã thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Khi thời bình đến, phụ nữ Việt Nam lại trở về với những nét đẹp truyền thống được ông cha ta đúc kết qua những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, ẩn hiện đằng sau “chiếc áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần lái đen”, là nét đẹp “công, dung, ngôn, hạnh”.
Theo quan niệm trước đây, “Công” là sự khéo léo, đảm đang việc nhà, biết tề gia nội trợ, quán xuyến công việc gia đình, chu đáo với họ hàng nội, ngoại, giỏi “nữ công gia chánh.
“Dung”: nhan sắc mà tạo hoá ban cho người phụ nữ vẻ đẹp tự nhiên, hòa nhã, nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn dung dị, có sự thống nhất giữa vẻ đẹp hình thức và nội dung.
“Ngôn”: lời nói dịu dàng, khiêm nhường, đặc biệt không phải chỉ là âm thanh, âm điệu mà cả nội dung lời nói.
“Hạnh”: nếp sống hiếu thảo với cha mẹ đôi bên, yêu chồng, thương con, có lòng nhân ái với mọi người, kính trên, nhường dưới.
Tựu trung, người phụ nữ Việt Nam truyền thống được xem là người phụ nữ đẹp xuất phát từ quan điểm phong kiến, cách nhìn thẩm mỹ đề cao cái đẹp gắn với cái thiện và cái cao cả. Qua đó, giá trị vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ Việt Nam là bốn giá trị cơ bản xuyên suốt, gồm: giá trị đẹp về lao động, giá trị đẹp về hình thể - nhan sắc, giá trị đẹp về ngôn từ, giá trị đẹp về đạo đức. Do vậy, người phụ nữ đẹp nhất phải là người phụ nữ có đủ bốn chuẩn mực: “công, dung, ngôn, hạnh”.
Hội tụ nét đẹp xưa và nay
Phụ nữ thời nay với vẻ đẹp tri thức, có nhiều đóng góp lớn cho xã hội (3 nhà khoa học nữ của Việt Nam được trao giải thưởng L'Oréal - UNESCO năm 2023). (Ảnh: Ngọc Thắng). |
Quả thật, dù ở giai đoạn lịch sử nào nói đến vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam là phải nói đến “công, dung, ngôn, hạnh”. “Công, dung, ngôn, hạnh” thời nào cũng cần, tuy nhiên chuẩn mực đó sẽ thay đổi thuận theo sự phát triển chung của xã hội. Đến ngày nay, khi xã hội phát triển, để trở thành người phụ nữ hiện đại đáp ứng được yêu cầu sự phát triển của xã hội, phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới phải có được những phẩm chất, tiêu chí: “Có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu”. Để hội tụ nét đẹp xưa và nay, bên cạnh việc tiếp thu những nét tính cách thời đại, song, vẫn cần giữ vững và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc. Do đó, vẻ đẹp “công, dung, ngôn, hạnh” của người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại có sự phát triển rộng hơn, toàn diện hơn.
Khái niệm công, dung, ngôn, hạnh của phụ nữ bây giờ không chỉ có nhan sắc, có tâm hồn, đức tính tốt, biết chu toàn công việc gia đình mà còn phải có kiến thức về văn hóa, kinh tế, chính trị… Nếu như ngày xưa chúng ta ưu tiên xây dựng vẻ đẹp của người phụ nữ trong gia đình thì hiện nay được mở rộng bên ngoài xã hội. Đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội không chỉ giúp bản thân tốt hơn, giúp bảo vệ quyền của nữ giới mà còn giúp quảng bá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với thế giới.
Trong xã hội hiện đại, một người nữ nên có cho mình vẻ đẹp tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, lao động kiếm sống, làm giàu chính đáng, nâng cao giá trị bản thân mỗi ngày. Bên cạnh đó, hoạt bát tham gia vào các hoạt động xã hội, cộng đồng, từ đó có thêm cơ hội được tiếp cận với thông tin và kiến thức, nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, chính sách; nhu cầu giao lưu, mở rộng các mối quan hệ, khẳng định vẻ đẹp độc lập và mạnh mẽ của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
“Dung” là vẻ đẹp nữ tính, vừa là vẻ đẹp hình thức bên ngoài, vừa là vẻ đẹp của cơ thể bên trong. Chuẩn mực về dung mạo, tiêu chí về cái đẹp mỗi thời điểm là khác nhau, nhưng vẫn phải bảo đảm chung về sự toàn diện cả sức khỏe lẫn ngoại hình, vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp xuất phát từ bên trong. Từ thần thái, sắc vóc cho đến sức khoẻ thể chất hay tâm hồn đều cần được chăm chút kỹ lưỡng.
“Ngôn” là lời nói lễ phép, lịch sự, tinh tế; giao tiếp khéo léo, ứng xử thông minh… thể hiện sự hiểu biết và có văn hóa. Dù vậy nhưng vẻ đẹp ngôn từ thời nay không ngại thẳng thắn trong phê và tự phê bình trong đấu tranh chống lại sự bất công, bất bình đẳng trong gia đình và ngoài xã hội. Lời nói của họ còn có vai trò là những lời truyền cảm hứng, động viên tinh thần giúp phụ nữ có thêm niềm tin và động lực mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.
“Hạnh” là đạo đức, là tình cảm yêu thương chồng con, gia đình, yêu quê hương, đất nước. Trong các mối quan hệ thể hiện thái độ chân thật, lòng hiếu kính, lòng nhân ái, vị tha, độ lượng… cũng là vẻ đẹp tâm hồn góp phần ghi điểm cho chị em trong mắt mọi người. Đặc biệt, “hạnh” thời hiện đại là khi phụ nữ biết yêu chính bản thân mình, bởi phụ nữ đẹp nhất khi hạnh phúc, khi họ được sống là chính mình.
Trong thời kỳ mới, sự kết hợp hài hòa những phẩm chất tinh hoa truyền thống được kế thừa và phát huy những tính cách hiện đại, văn minh đã tạo nên giá trị và vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ. Phụ nữ xưa và nay vừa là hiện thân của những đóa sen đẹp dịu dàng, thanh khiết, lại vừa là của những bông hoa hồng, rất đẹp, rất quyến rũ nhưng cũng gai góc và đầy bản lĩnh.