Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới đáp ứng được nhu cầu và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, chứ không chỉ mới có Vietnam Airline, Jetstar Pacific, VietJet… như hiện nay. Trong khi đó, hạ tầng hàng không (HTHK) Việt Nam đang quá tải.
Việc có thêm các hãng bay mới có thể gây áp lực lên HTHK. Hàng loạt sân bay hiện đang trong tình trạng quá tải. Một số sân bay vừa đầu tư mở rộng xong đã ngay lập tức đứng trước nguy cơ quá tải. Thống kê từ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các sân bay lớn/21 sân bay do Tổng Công ty quản lý khai thác đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế.
Quá tải đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại lớn cho nền kinh tế và nhiều thiệt hại vô hình khác. Đáng tiếc, ta không chỉ quá tải trên mặt đất (đường hạ/cất cánh) mà những ai am hiểu về thực trạng hàng không đều biết còn “tắc trên trời”.
Nâng cao công suất các sân bay và mở rộng quy mô phát triển đội tàu bay trong vòng những năm tới là hai điều kiện cần để mở ra cơ hội cho thị trường hàng không phát triển. Riêng với HTHK, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, được coi là giải pháp khả thi, để có một hạ tầng hiện đại và quy trình vận hành khác biệt.
“Bài học” từ Vân Đồn và Cam Ranh là đáng quý. Cảng Hàng không Vân Đồn là dự án đầu tiên do một tập đoàn tư nhân đầu tư hoàn toàn, kiểm soát và vận hành, trong khi 21 dự án kia thuộc sự quản lý của ACV. Thời gian làm sân bay Vân Đồn rất nhanh, trong khi những việc cấp bách như cải tạo Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn.
Dù sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài, Tân Sơn Nhất về quy mô, nhưng đẳng cấp thì như nhau. Dự án Cảng hàng không Cam Ranh do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đầu tư, dự định ban đầu xây dựng trong vòng 36 tháng, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhưng cuối cùng đã hoàn thành chỉ hết 2/3 thời gian và đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đây là minh chứng cho hiệu quả của vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không.
Nếu tư nhân làm, chắc chắn không kéo dài tiến độ và “đội vốn”. Đầu tư bằng tiền của tư nhân bao giờ cũng khác “tiền chùa”, đó là hiệu quả và tiết kiệm. Vấn đề còn lại là cơ chế cần được “khơi thông”, “hành lang pháp lý” cần được thiết kế đáp ứng thời cuộc.