Hành trình “bén duyên” với công tác khí hậu
“Động lực của tôi đến với biến đổi khí hậu không chỉ đến từ những bài báo hay kiến thức tôi đã học mà còn đến từ câu chuyện của cá nhân tôi khi hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều người thân của tôi. Nó thôi thúc khiến tôi muốn làm gì đó để thay đổi thực trạng này. Đối với tôi, việc tham gia nghiên cứu phát triển các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu và đưa ra các giải pháp hữu hiệu là cách tốt nhất để tôi có thể đóng góp cho quá trình ứng phó này”.
Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Đào Mạnh Trí (27 tuổi), hiện là Trưởng phòng Phát triển dự án tại Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển bền vững, nơi anh tập trung nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, với vai trò nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học California - San Diego (Hoa Kỳ), anh nghiên cứu sự giao thoa giữa các nguyên tắc kỹ thuật và kinh tế - chính trị để hiểu rõ hơn về các xu hướng năng lượng toàn cầu.
Trí cũng có đam mê mạnh mẽ với việc thúc đẩy sự tham gia của thanh niên Việt Nam vào các hoạt động khí hậu quốc gia. Anh là đồng sáng lập của nhóm công tác Thanh niên về Chính sách Khí hậu (YPWG), với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cục Biến đổi Khí hậu và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Với sứ mệnh là đưa thanh niên Việt Nam tiếp cận gần hơn với quá trình hoạch định chính sách khí hậu, YPWG đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, nâng cao nhận thức của thanh niên Việt Nam về chuyển dịch năng lượng; và đặc biệt là việc hoàn thành Báo cáo “Kiến tạo tương lai: Lồng ghép góc nhìn của thanh niên vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam” do UNDP xuất bản.
Việc thành lập các nhóm chính sách như YPWG có thể giúp các bạn thanh niên dù chưa quan tâm hay đã quan tâm đến chính sách khí hậu tiếp cận đến chính sách một cách dễ dàng hơn thông qua các hoạt động của nhóm. Đồng thời đây cũng là phương tiện đưa tiếng nói của thanh niên tới các nhà hoạch định chính sách.
Khởi đầu của cuộc hành trình gắn bó với công tác khí hậu của thạc sĩ khoa học trẻ tuổi này phải kể đến thời điểm khoảng gần 10 năm trước đây khi anh đạt giải Vàng tại Hội thi Khoa học Công nghệ Singapore (SSEF) với đề tài “Tổng hợp Chitosan bằng phương pháp deacetyl hóa vỏ Portunus pelagicus và hấp phụ chì dựa trên mô hình đẳng nhiệt Langmuir/Freundlich”.
Sau đó một giáo sư từ Đại học Quốc gia Singapore đã mời anh tiếp tục phát triển đề tài này cùng ông. Đây cũng là lần đầu tiên Trí nhận ra bản thân có khả năng tạo ra giá trị cho xã hội thông qua ứng dụng khoa học để phục vụ đời sống.
Vào đại học, anh có thời gian thực tập tại Nyheim Plasma Institute, nơi được coi là cái nôi của ngành Plasma Y học. Anh chia sẻ, dù thời gian thực tập không dài nhưng nó đã mở rộng góc nhìn của anh về ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xã hội và trách nhiệm của bản thân khi được học tập và làm việc trong một môi trường có nhiều nhà khoa học kỳ cựu.
Trí đại diện trình bày báo cáo “Kiến tạo tương lai: Lồng ghép góc nhìn của thanh niên vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam”. (Ảnh: NVCC) |
Tới khi làm tiến sĩ, Trí đã xác định ngành mình theo đuổi phải là một ngành có thể tạo ảnh hưởng sâu rộng lên xã hội. Đứng trước nhiều sự lựa chọn, anh nhận thấy mình quan tâm sâu sắc tới vấn đề biến đổi khí hậu, bởi vì nó là một vấn đề vô cùng cấp bách cho mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, anh cũng là một người con của vùng đất miền Trung - nơi hàng năm phải chịu nhiều thiên tai, bão lũ. Anh càng thấm thía rằng những diễn biến khí hậu cực đoan, bất thường đã đẩy hàng bao gia đình vào hoàn cảnh cuốn trôi nhà, ngập lụt, phải di dời, mất đi sinh kế, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của họ.
Khi nghiên cứu sâu hơn, Trí thấy nhận rằng chuyển dịch năng lượng là một trong những trụ cột chính trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Anh tin rằng nếu quá trình này được tổ chức một cách hiệu quả, sử dụng nguồn năng lượng có giá thành phải chăng, việc chuyển dịch sẽ trở nên khả thi hơn. Ở tầm vĩ mô, việc xây dựng các mô hình chuyển dịch năng lượng là tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm khả năng cung ứng năng lượng đối với nhu cầu đang tăng nhanh chóng ở Việt Nam.
Điều này liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội, bên cạnh các tác động tích cực lên môi trường khí hậu, như việc giảm thiểu lượng carbon phát thải. Đây cũng chính là động lực để anh thực hiện luận án tiến sĩ về việc xây dựng mô hình các kịch bản phát triển năng lượng giảm phát thải cho chính Việt Nam. Anh hy vọng rằng, sau khi hoàn thành dự án, mô hình của anh sẽ được công bố và trở thành công cụ mở để cho các nhà nghiên cứu năng lượng ở Việt Nam sử dụng và áp dụng trong nghiên cứu của họ.
“Sức nặng” của thông điệp trong kỷ nguyên số
Trong khi chia sẻ về những động lực khiến bản thân muốn “làm gì đó cho xã hội”, Trí không ngần ngại chia sẻ một câu trích dẫn trong cuốn sách “Mùa xuân câm lặng” của Rachel Carson - một nhà hoạt động môi trường rất nổi tiếng - mà anh nhớ mãi không quên. Đó là: “Thiên nhiên đã mang lại sự đa dạng tuyệt vời cho cảnh quan, nhưng con người lại luôn có xu hướng đơn giản hoá nó.
Vì vậy, họ đã làm xáo trộn những cơ chế kiểm soát và cân bằng tự nhiên mà thiên nhiên sử dụng để giữ các loài sinh vật trong khuôn khổ nhất định”. Anh diễn giải, việc con người sử dụng thuốc trừ sâu, một chất rất độc gây ảnh hưởng đến các loài chim, đã khiến chúng không còn xuất hiện nữa và từ đó đã tạo ra một bức tranh mà tác giả gọi là “mùa xuân câm lặng” vì không còn nghe thấy tiếng chim hót nữa.
“Đó là một hình ảnh rất mạnh mẽ đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Ngay khi đọc đoạn văn trên tôi đã biết rằng tôi muốn gì và cần gì. Từ đó, mỗi khi tôi đọc những văn bản, tài liệu, điều luật về môi trường, trong đầu tôi lại nghĩ về ví dụ này và tự hỏi liệu những bộ luật, quy định này có tác dụng phần nào làm giảm thiểu hiện trạng giống như khung cảnh trong cuốn sách hay không”. Trí nhớ lại và nhấn mạnh thêm, trong thời đại các nội dung ngắn lên ngôi và sự phát triển của mạng xã hội, “chỉ khi chúng ta thực sự đọc, hiểu và có phản hồi thì chúng ta mới lưu tâm và cảm thấy việc đọc có tác dụng, từ đó chúng ta mới tiếp tục đọc”.
Thạc sĩ Đào Mạnh Trí. (Ảnh: NVCC) |
Tri thức là hành trang quan trọng của mỗi người trẻ nhưng để nuôi dưỡng niềm đam mê, kiên trì với thói quen đọc sách, tinh thần học tập, trau dồi kiến thức là một chặng đường “nói dễ hơn làm”, đặc biệt với các vấn đề cấp bách xã hội nhưng cũng “nặng” tính chuyên môn như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng công bằng,…
Để nâng cao mối quan tâm và văn hoá đọc của giới trẻ nói riêng về các vấn đề này, Trí cho rằng, chìa khoá là “cải thiện khả năng tiếp cận nội dung”. Hiểu đơn giản, yếu tố thứ nhất là chia sẻ thông tin qua những nền tảng mà các bạn trẻ thường xuyên và dễ dàng truy cập, yếu tố thứ hai là bảo đảm khả năng tiếp thu của họ khi họ đọc những nội dung đó.
Ngoài ra, ở góc độ cá nhân, Trí cũng chia sẻ rằng, mỗi người nên cân nhắc đến việc phát triển bền vững cá nhân, tức là cân bằng những yếu tố như công việc chính, mối quan tâm, sở thích, niềm tin, sức khỏe và tinh thần… Từ trải nghiệm bản thân, những điều giúp anh duy trì năng lượng bao gồm: tạo ra hệ thống sắp xếp công việc của riêng mình; có kỳ vọng hợp lý; trân trọng quá trình thực hiện nhiều hơn là quan tâm đến kết quả; chấp nhận sự hy sinh hay chấp nhận chúng ta không thể có được tất cả mọi thứ.
Báo cáo tổng hợp góc nhìn của thanh niên Việt Nam về quá trình chuyển dịch năng lượng và đưa ra các khuyến nghị để tăng cường sự tham gia của họ vào quá trình này. Đại diện nhóm YPWG, Thạc sĩ Đào Mạnh Trí đã trình bày báo cáo tại Hội nghị COP28 tại Dubai, đồng thời chia sẻ báo cáo tại các hội nghị, phiên thảo luận liên quan đến năng lượng và liên quan đến xã hội tại các quốc gia như Mỹ, Indonesia,…