Người, hàng đổ xô lên đường bộ
17% là con số mà vận tải thủy đang có trong tổng cơ cấu vận tải toàn ngành. Con số trên sở dĩ khiêm tốn vì hạ tầng đường thủy trong một thời gian dài chưa được đầu tư thích đáng; khả năng kết nối các phương thức vận tải khác với đường thủy đang yếu kém... dẫn tới nhiều tuyến thủy lộ rộng lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay Đồng bằng sông Hồng... vẫn chỉ là những dòng chảy tự nhiên, vắng bóng tàu thuyền.
Đường thủy vì thế đã dần bị lãng quên trong kế hoạch kinh doanh của chủ hàng và doanh nghiệp; thậm chí, nó ít được quan tâm trong mắt nhà quản lý. Chỉ có người dân vùng sông nước và những người gắn bó lâu năm với lĩnh vực này mới thực sự ý thức được “núi tiền” nằm trên mặt nước.
“Nhiều quốc gia vào đầu thời kỳ xây dựng phát triển kinh tế, họ đặc biệt quan tâm đến giao thông thủy. Đường thủy luôn là ưu tiên số một vì giá cả cạnh tranh, kế đó mới đến đường sắt, đường bộ và cuối cùng là hàng không. Nhưng ở ta thì ngược lại - người và hàng đổ xô đi đường bộ, tạo thành một thói quen khó đổi đối với phương thức vận tải này trong hàng chục năm qua”, Giám đốc Ban quản lý các dự án (PMU) đường thủy (Bộ GTVT) Lê Huy Thăng đánh giá.
Sự bất bình hành trong vận tải thủy nhiều năm qua đang thể hiện rõ ở số phần trăm thị phần vận tải mà ngành này đang chiếm. Ngoài ra, tổng mức đầu tư cho hạ tầng đường thủy cũng đang ít hơn nhiều so với các lĩnh vực khác nhất là đường bộ. Dễ thấy, trong vòng 5 năm qua, tiền của dồn dập “đổ” vào các Dự án nâng cấp QL1 và QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), nhưng thực tế các tuyến đường này cũng bắt đầu có biểu hiện quá tải, ách tắc, một số nơi không thể kết nối được với các trọng điểm kinh tế... buộc phải đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) giai đoạn 2017 - 2020, trị giá hơn 118 ngàn tỷ đồng.
Âu Rạch Chanh (Long An), hạng mục công trình thuộc Dự án WB5, có công suất thiết kế 130.000 - 150.000 phương tiện qua lại/năm |
Vốn vào đường thủy chưa tới 1 tỷ USD
Là “cánh tay nối dài” của Bộ GTVT trong lĩnh vực quản lý đầu tư các dự án giao thông đường thủy nội địa, Giám đốc Thăng cho biết, hơn chục năm qua, vốn “rót” vào lĩnh vực này trên địa bàn cả nước chưa tới con số 1 tỷ USD.
“Có thể kể các dự án có con số tương đối như Dự án 2 tuyến đường thủy phía Nam và Cảng Cần Thơ trị giá 80 triệu USD, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5) trị giá 265 triệu USD, Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ (WB6) trị giá 210 triệu USD. Còn lại ,trước đó, chỉ là những dự án nạo vét nhỏ, mấy chục tỷ đồng”, lời ông Thăng.
Đại diện PMU đường thủy nói thêm, dẫu mức đầu tư cho toàn lĩnh vực chưa thực sự tương xứng, nhưng các dự án mà Bộ GTVT làm chủ đầu tư sau khi hoàn thành đưa vào khai thác như Dự án WB6 đã góp phần nâng cấp, hình thành các tuyến vận tải thủy quan trọng nối Quảng Ninh - Hà Nội - Việt Trì (hành lang số 1) để vận tải hàng hóa.
“Đặc biệt, hành lang số 3 của WB6, sau khi đầu tư, tàu 2.000 - 3.000 tấn có thể “lướt” êm qua cửa Lạch Giang - nơi trước đây từng được mệnh danh là “cửa tử”. Sắp tới, khi triển khai thêm đoạn nối sông Đáy và sông Ninh Cơ, chắc chắn tàu thuyền sẽ ra vào tấp nập để phục vụ khu công nghiệp xi măng của tỉnh Ninh Bình ngay cạnh đó”, Giám đốc PMU đường thủy nhấn mạnh thêm.
Còn ở phía Nam, Dự án WB5 đã đồng loạt nâng cấp nhiều tuyến đường thủy từ cấp 4 lên cấp 3. Hàng chục cây cầu cũ đã được đập và xây dựng mới để nâng tĩnh không thông thuyền giúp tàu 600 tấn và các đoàn xà lan lên tới 1.000 tấn có thể di chuyển trên sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, cũng tại khu vực này, sắp tới PMU đường thủy sẽ báo cáo Bộ GTVT để chuẩn bị đầu tư kết nối đoạn Cà Mau - Kiên Giang và đoạn Cần Thơ - Đồng Tháp, nhằm phát huy tối đa tiềm năng giao thông đường thủy của sông nước miền Tây.
Tất cả những nỗ lực trên đều nhằm mục tiêu “kéo” hàng hóa xuống đường thủy, qua đó phấn đấu đến năm 2020, thị phần mà vận tải thủy có được là trên dưới 20%. Điều này rất cần thiết, nhưng để chạm tới con số trên, đầu tư cho hạ tầng đường thủy cũng phải tương xứng, không thể chỉ thò tay “hái quả” mà không quan tâm việc “trồng cây”.
Tân Bộ trưởng quan tâm giao thông thủy
Ít tuần sau lễ nhậm chức Bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Văn Thể đã chủ trì một cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy. Tại đây, Bộ trưởng GTVT yêu cầu các cơ quan tham mưu xây dựng chính sách để thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân tham gia phát triển giao thông thủy.
Ông Thể cũng cho hay, Thủ tướng và các bộ ngành rất quan tâm lĩnh vực này. Vì thế, người đứng đầu ngành Giao thông chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 47 của Thủ tướng về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy nhằm phát huy những cơ chế đã đi vào cuộc sống, cũng như đề xuất các cơ chế thuận lợi hơn cho vận tải đường thủy.