“Du học tại nhà” gây nhiều hoang mang
Một mùa tựu trường lại đến sau hai năm dịch bệnh kéo dài, nhiều du học sinh Việt Nam vẫn chưa thể sang nước ngoài tham gia học tập và tiếp tục chương trình đào tạo còn dang dở. Học online tại Việt Nam hay cố gắng tìm đường sang nước ngoài để theo học, đây vẫn là một quyết định khó khăn.
Khi khảo sát các hội, nhóm sinh viên Việt Nam ở nước ngoài trên nền tảng Facebook, có thể tìm thấy rất nhiều câu hỏi thể hiện sự băn khoăn, nỗi niềm lo lắng, hoang mang của các sinh viên khi không thể trực tiếp đến trường đi học.
Trên nhóm “Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc”, Mai Linh – một sinh viên theo học Trường Đại học Sungkyunkwan đã chia sẻ việc phải bảo lưu kết quả để về Việt Nam hơn một năm tránh dịch. Tuy nhiên, vì lo lắng việc học bị gián đoạn, sinh viên này mong muốn được đăng ký học online với trường. Thế nhưng, vì đã làm thủ tục bảo lưu nên việc xin visa quay trở lại trường theo học hoặc đăng ký học online tại trường trở nên khó khăn.
Chia sẻ câu hỏi lên cộng đồng, nhiều du học sinh khác đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Tựu trung lại, các thủ tục xin visa, nhập cảnh vào Hàn Quốc để theo học tương đối khó trong thời điểm nhạy cảm hiện tại.
Trong nhóm “Cộng đồng Du học Việt Nhật”, cũng có nhiều ý kiến cho biết đã phải chuyển hướng bảo lưu việc học để chờ diễn biến dịch bệnh khởi sắc. Một bộ phận nhập học online trong thời gian tới cho biết phải “chấp nhận rủi ro để tiếp tục việc học”.
Tài khoản Phạm Thu cho hay, bên trường sẽ gửi lịch học và link học để học viên vào học theo thời gian trường thông báo, lệch múi giờ cũng phải chịu. Nhật Bản chênh lệch 2 múi giờ so với Việt Nam nên không phải vấn đề quá lớn. Chêch lệch múi giờ cũng không phải vấn đề lớn đối với những du học sinh Trung Quốc bởi Trung Quốc chỉ cách Việt Nam một giờ đồng hồ.
Tình trạng chung của hầu hết sinh viên chuẩn bị nhập học giai đoạn này là vướng phải COVID-19 nên phải ở nhà. Khi được hỏi về khó khăn nhập học và học online trong “Hội lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc”, nhiều ý kiến khác bày tỏ rằng trở ngại của việc học online là ít động lực học, sinh viên chỉ chăm chỉ những buổi đầu, những buổi sau thậm chí “vừa ngủ vừa học”, “khó tập trung”,…
Một sinh viên tại Trường Đại học Trung Nam – Hồ Nam bày tỏ: “Không biết học trực tiếp thì thế nào chứ học online thì thầy cô cứ mặc kệ. Nhiều khi nhắn tin còn bị bơ”.
Việc học online và ít tương tác khiến nhiều sinh viên chán chường, mặc kệ việc học, thậm chí muốn bỏ học ở lại Việt Nam luôn. Với một số trường năng khiếu ở Trung Quốc như Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, việc học online gần như là không thể, nhiều sinh viên đã trúng tuyển đang “kẹt” lại ở Việt Nam cũng phải cân nhắc liên hệ với trường xin nhập học muộn hoặc bảo lưu.
Khác với các nước châu Á, du học sinh tại những nước như Mỹ, Úc, Canada,… lại gặp khó khăn lớn bởi chênh lệch múi giờ. Trong nhóm “Du học Mỹ, Úc, Canada - Từ A đến Z”, nhiều ý kiến chia sẻ việc học lệch múi giờ khiến lịch sinh hoạt đảo lộn, luôn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng hơn khi học trực tiếp tại trường.
Trong đó, tài khoản Hưng Quốc Nguyễn cho biết: “Tôi xác định là sinh hoạt hoàn toàn ngược múi giờ nên dọn ra thuê nhà ở riêng để không ảnh hưởng gia đình và gia đình cũng không ảnh hưởng đến mình. Lịch học online từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng, còn ngủ từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa”.
Nam sinh viên cũng đánh giá học tại trường sẽ hiệu quả hơn nhưng hiện giờ việc sang Mỹ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, sinh viên Thu Trang đạt được học bổng 50% của một trường đại học thuộc top 100 nước Mỹ, sau khi hoàn tất hồ sơ chỉ đợi ngày đặt lịch xin visa thì dịch bùng phát khắp nơi. Trong khi lịch xin visa đi Mỹ tại TP Hồ Chí Minh đang dừng hẳn thì trường yêu cầu sinh viên phải nhập học trước 1/9.
“Tôi đắn đo giữa việc lùi học lại một năm vì lo ngại sức khoẻ không đủ để học trực tuyến, phải dậy từ 2 giờ sáng và kết thúc buổi học vào lúc 7, 8 giờ sáng”, Trang chia sẻ.
Sinh viên và nhà trường cùng vượt khó
Mặc dù trải nghiệm học online tại nhà có nhiều hạn chế, tuy nhiên rất nhiều du học sinh cho rằng, việc chuyển sang học trực tuyến là một quyết định đúng đắn của nhà trường và chính phủ nước đó, góp phần giúp việc học không bị gián đoạn, sinh viên vẫn có thể tốt nghiệp đúng thời hạn.
Nhiều du học sinh Việt Nam nhập học online tại nhà để tiếp tục chương trình đào tạo còn dang dở ở nước ngoài. |
Chị Nguyễn Phương Lê (ở quận Tây Hồ, Hà Nội), hiện đang theo học chương trình cao học ngành Nhân học - Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trường Đại học California, Riverside (Mỹ) đồng cảm với khó khăn của các du học sinh Mỹ trong thời COVID-19. Theo đó, kế hoạch nhập học, trở lại trường luôn có thể bị thay đổi bởi đại dịch, kể cả vào “phút chót”.
“Lẽ ra chương trình học của tôi bắt đầu từ tháng 9/2020, nhưng do dịch nên lùi sang tháng 1/2021. Do các trường vẫn phải học online do dịch nên tôi bắt đầu chương trình học từ xa từ đầu năm nay. Đến tháng 9/2021 này trường cho trở lại học offline nên sắp tới tôi sẽ bay sang Mỹ”, chị Phương Lê cho biết.
Học online tại nhà quả thực có nhiều bất tiện, ví như ít có tương tác với bạn bè ngoài thời gian lên lớp, học lệch múi giờ… Chị Phương Lê cho biết, trong kỳ đầu tiên của năm nay, chị có hai lớp liền nhau trong một buổi sáng từ 4 giờ đến 11 giờ, các lớp đều là dạng seminar thảo luận yêu cầu tập trung cao và tham gia nhiều nên khá mệt mỏi.
Ngoài ra, do đặc thù chương trình chuyên về nghiên cứu nên không được đến thư viện tra cứu cũng rất bất lợi cho sinh viên. Nhiều cuốn sách, đặc biệt những cuốn sách xuất bản từ lâu, vẫn chưa được số hoá nên sinh viên học từ xa không thể tiếp cận được, ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu.
Tuy nhiên, học online ở Việt Nam cũng đem đến những lợi thế nhất định. Với chuyên ngành về nghiên cứu Đông Nam Á, ngoài giờ học, chị vẫn có thể tham gia một số dự án phát triển cộng đồng tại Việt Nam để phục vụ nghiên cứu, áp dụng trực tiếp những kiến thức đã học vào thực tế. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên, ví như điều chỉnh giờ học trong phạm vi cho phép để hạn chế tác động của chênh lệch múi giờ, điều chỉnh nội dung và format bài giảng cho phù hợp với việc học online.
Thêm vào đó, chị Phương Lê khẳng định không phải những tiết học online đều ít chất lượng. Đơn cử, trong khóa học “Phương pháp nghiên cứu lịch sử Việt Nam”, bởi vì học trực tuyến nên có rất nhiều khách mời là nhà nghiên cứu, chuyên gia từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới để nói chuyện, thảo luận trực tiếp với sinh viên. Mặt khác, chị cũng ấn tượng với lớp học “Lý thuyết và văn học hậu thực dân”. Do cách dẫn dắt thảo luận của giáo sư rất hay và tự nhiên nên mọi người trong lớp đều tham gia sôi nổi qua các màn hình mà không thấy căng thẳng.
“Do học cao học thời gian tự đọc tài liệu là chính, thời lượng lên lớp không quá nhiều, nên việc chênh lệch múi giờ chỉ ảnh hưởng tới 1-2 buổi học, dù mệt nhưng tôi cảm thấy ảnh hưởng không quá lớn. Tuy nhiên, có một vấn đề là do việc học và nghiên cứu từ xa mất thời gian hơn nên tôi không có nhiều thời gian dành cho các tương tác xã hội, kể cả online, lâu dần có cảm giác cô lập và dễ bị lo âu”, chị Phương Lê chia sẻ.
Du học trong bối cảnh đại dịch diễn ra căng thẳng vừa có khó khăn vừa có hy vọng. Theo số liệu thống kê trong năm 2020 của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đang có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Trong đó, khu vực châu Âu có khoảng 40.000, Mỹ có 29.000, Canada khoảng 21.000, châu Á 70.000, châu Đại Dương trên 32.000 và châu Phi có khoảng 50 lưu học sinh. Dù trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc, hạn chế đi lại, trường học đóng cửa… các sinh viên và nhà trường vẫn cố gắng vượt qua để đảm bảo chất lượng và chương trình học tập.