Trước hết, xin lưu ý đối với công dân Việt Nam khi xuất cảnh sang nước ngoài, bất kể theo hình thức nào như du lịch hay du học, lao động, thực tập, công tác, thương mại, thăm người thân..., tuyệt đối không được cả nể, nể nang thể hiện lòng tốt khi ai đó nhờ cầm, xách hộ bất cứ đồ đạc gì của người lạ, tránh tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng vào việc bất hợp pháp như buôn bán, vận chuyển hàng cấm, vũ khí, ma túy, chất độc, chất cháy chất nổ.
Khi không may bị mất trộm, mắt cắp ở nước ngoài cần liên hệ và cung cấp thông tin chính xác về thời gian, địa điểm bị mất cắp, mô tả đặc điểm tài sản bị trộm cắp, những nghi vấn về đối tượng trộm cắp (nếu có) để cảnh sát nước sở tại có căn cứ xác minh, điều tra làm rõ, tìm kiếm và xử lý kẻ trộm cắp theo quy định của nước sở tại.
Người Việt bị xâm phạm tài sản trong quá trình đang du lịch ở nước ngoài cũng có thể tìm đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán để yêu cầu được giúp đỡ, mời phiên dịch, hỗ trợ thông tin pháp lý cần thiết, tư vấn cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật nước sở tại.
Để tránh những rắc rối liên quan đến pháp luật của nước công dân Việt Nam nhập cảnh, theo tôi cần lưu ý các điểm cơ bản như sau:
- Cần có hiểu biết cơ bản về phong tục, tập quán, quy định chung của pháp luật nước nhập cảnh, đặc biệt là các quy định cấm riêng đối với người nước ngoài.
- Tắt chức năng tự động truy cập wifi miễn phí trên điện thoại, máy tính xách tay. Không truy cập vào mạng wifi công cộng (trừ wifi an toàn của khách sạn) để sử dụng facebook, thực hiện các giao dịch thanh toán cá nhân với cá nhân, cá nhân với ngân hàng tránh bị trộm cắp thông tin cá nhân, tài khoản tín dụng.
- Không cung cấp hộ chiếu, giấy thông hành, vé máy bay và các thông tin cá nhân khác như tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp ... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trừ khi cơ quan xuất nhập cảnh và cơ quan tư pháp có yêu cầu bắt buộc.
Trong trường hợp công dân bị cảnh sát nước nhập cảnh bắt giữ cần thực hiện các quyền cơ bản như sau: Quyền được cảnh sát giải thích lý do tại sao bị bắt, giữ; Quyền được báo cho người thân và luật sư biết mình đang bị bắt, giữ ở đồn cảnh sát; Quyền được giữ im lặng, không bắt buộc phải trả lời thẩm vấn của cảnh sát, trừ thông tin về quốc tịch, họ và tên, năm sinh, địa chỉ cư trú, vì tất cả những gì công dân nói ra lúc bị bắt giữ có thể bị ghi chép lại hoặc bị ghi âm lại và có thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại công dân đó trước Tòa án; Quyền mời luật sư bào chữa, nói chuyện riêng với luật sư trước khi cảnh sát thực hiện việc thẩm vấn, xét hỏi. Tùy theo quy định của pháp luật nước nhập cảnh, người mời luật sư bào chữa có thể phải tự thanh toán chi phí cho luật sư hoặc được luật sư trợ giúp miễn phí trong trường hợp được cơ quan tư pháp chỉ định luật sư.
Theo quy định của Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành thì luật sư Quốc tịch Việt Nam có Chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp, có Thẻ luật sư do Hội đồng luật sư toàn quốc cấp thì được hành nghề luật sư, thực hiện bào chữa, tư vấn pháp luật, cung cấp các dịch vụ pháp lý khác cho khách hàng trên lãnh thổ Việt Nam. Luật sư Việt Nam có trình độ năng lực, trình độ ngoại ngữ, bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý về tư pháp của nước ngoài mới được tham gia hành nghề, cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng tại nước ngoài đó.
Luật sư Lê Ngọc Hà