Vấn đề được đưa ra bàn thảo mới đây tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện thể chế TTCK theo hướng hiện đại và hội nhập”, do Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính phối hợp với UBCKNN tổ chức. Tại Hội thảo này, các chuyên gia cũng kỳ vọng Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào năm 2018.
Theo bà Vũ Thị Chân Phương , Phó Chủ tịch UBCKNN, qua 20 năm hình thành và phát triển, chúng ta đã thành công trong việc xây dựng và phát triển TTCK trong khi chưa có mô hình định sẵn, chưa có thực tiễn. Trong nhiều kết quả đạt được, qua 20 năm phát triển, TTCK đã tạo lập được một thể chế thị trường bậc cao phù hợp với trình độ phát triển của đất nước; từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện một hệ thống khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm cho TTCK hoạt động thông suốt, an toàn, công bằng, công khai, minh bạch và có hiệu quả. “Điều này có được là nhờ công tác hoàn thiện thể chế chính sách phát triển TTCK luôn được cơ quan quản lý chú trọng đặt lên hàng đầu”, bà Phương nhận định.
Ông Vũ Quang Việt – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCKNN nhớ lại thời kỳ sơ khai của TTCK Việt Nam. Ông cho biết, các nước phát triển thị trường trước rồi mới hoàn thiện thể chế, nhưng với Việt Nam, chúng ta xây dựng khung pháp lý trước khi vận hành thị trường. “Do đó, bên cạnh những thuận lợi vì có khung khổ pháp luật để hoạt động thì một số quy định của Luật chưa hoàn toàn phù hợp, tương thích với luật pháp, chuẩn mực và thông lệ quốc tế”, ông Việt nói.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, ông Trương Bá Tuấn, nhìn trên bình diện tổng thể và trước yêu cầu phát triển ngày càng đa dạng của TTCK, việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là Luật Chứng khoán là yêu cầu cần thiết, nhằm giúp thị trường phát triển bền vững, tăng chiều sâu trong bối cảnh hội nhập mạnh.
Phó Chủ tịch UBCKNN, bà Vũ Thị Chân Phương cũng cho rằng, trong thời kỳ mới, cơ quan quản lý các cấp sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của TTCK trên cơ sở đảm bảo sự ổn định, vững chắc; tăng cường tính công khai, minh bạch và tiếp cận các thông lệ quốc tế. Đồng thời, tăng quy mô, độ sâu, tính thanh khoản, chất lượng, hiệu quả của TTCK; nâng cao sức cạnh tranh, năng lực của hệ thống định chế trung gian, tổ chức phụ trợ và mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế; tăng cường năng lực quản lý, giám sát thị trường.
Trên cơ sở định hướng đó, UBCKNN xác định cải cách thể chế TTCK theo hướng hiện đại và phù hợp với xu thế chung của thế giới sẽ là khâu đột phá để TTCK Việt Nam có được những bước phát triển mới tương xứng với tiềm năng sẵn có của thị trường.
Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS Hà Huy Tuấn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề tăng cường giám sát thị trường tài chính. Theo ông, hiện công tác giám sát còn hạn chế chưa tương thích với mức độ phát triển của thị trường, giám sát cẩn trọng vĩ mô chưa được quan tâm đúng mức, sự thiếu phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa và các chính sách cẩn trọng vĩ mô đã khiến hệ thống tài chính thêm mất cân đối và dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế vĩ mô.
Ông lưu ý các giải pháp hoàn thiện công tác giám sát thị trường, trong đó có các giải pháp như tăng thẩm quyền cho cơ quan thanh tra giám sát về tiếp cận thông tin, điều tra và khởi tố đối với một số tội danh trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Phương pháp giám sát cũng cần đổi mới đồng thời mở rộng phạm vi giám sát đối với mô hình tập đoàn tài chính…
Đại diện Vụ Pháp chế, UBCKNN kiến nghị, Luật Chứng khoán (sửa đổi) cần xây dựng theo hướng: Bổ sung thẩm quyền bảo đảm cho UBCKNN có đủ quyền lực để thực thi tổ chức các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi; Đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán được chào bán và nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; Mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua tỷ lệ sở hữu Nhà nước của các công ty đại chúng; Hoàn thiện các quy định về quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và ngân hàng giám sát; sửa đổi quy định về công bố thông tin trên TTCK và bổ sung một số biện pháp thanh tra, xử lý vi phạm mang tính đặc thù.
Các chuyên gia cho rằng, quá trình hoàn thiện thể chế TTCK Việt Nam cần tập trung vào 4 trọng tâm: Thể chế xây dựng và phát triển TTCK, thể chế về sản phẩm, về tổ chức kinh doanh và quản lý giám sát.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng Luật Chứng khoán mới sẽ được xây dựng vào năm 2018 nhằm đảm bảo sự phù hợp và thống nhất cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam và cũng đặt ra yêu cầu về quản lý thị trường cao hơn, phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng hơn. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển TTCK phái sinh giai đoạn 2017-2020.
Một số quy định đã ban hành về TTCK Việt Nam: Nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về Chứng khoán và TTCK; Nghị định 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 thay thế Nghị định 48/1998/NĐ-CP; Luật Chứng khoán năm 2006 có hiệu lực từ ngày 1/1/2007; Luật sửa đổi bổ sung một số điều cuả Luật Chứng khoán năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.