Thực tiễn lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh: động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong mọi giai đoạn là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, yêu nước, ý chí tự cường dân tộc. Khát vọng đó được bồi đắp, hun đúc qua dặm dài lịch sử; đó còn là niềm tin, là “ý Đảng, lòng Dân” hoà quyện cùng mong muốn vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước.
Không khuất phục trước cường quyền, bạo lực
Là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, anh hùng, bởi vậy, dù tiềm năng quân sự yếu hơn kẻ thù, nhưng chúng ta đã chiến thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang để giữ vững nền độc lập. Điều đó bắt nguồn từ khát vọng yêu chuộng hòa bình qua nhiều thế hệ.
Ngay từ thời dân tộc chìm trong đêm dài nô lệ giặc phương Bắc, Nữ tướng, anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh đã thể hiện tinh thần khảng khái đầy khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ…". Đó còn là khát vọng về chủ quyền quốc gia dân tộc [“Sông núi nước Nam vua Nam ở” - Lý Thường Kiệt], xuất phát từ tinh thần “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ lấy chí nhân để thay cường bạo” [Bình ngô đại cáo- Nguyễn Trãi].
Khi phải đối mặt với một dân tộc luôn giàu khí thế tiến công và hiến dâng “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “dù hy sinh tới đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” thì mọi âm mưu của kẻ thù cũng phải thất bại. Nhờ tinh thần, khí thế ấy, dân tộc Việt Nam đã làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời, lở đất; của chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu….Để rồi, “Nước Việt Nam từ máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Những chiến thắng đó đã tô thắm những trang sử chói lọi, hào hùng của một dân tộc chưa bao giờ khuất phục trước cường quyền, bạo lực.
Sau khi đánh đuổi Thực dân Pháp, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ. Ngay giữa thời khắc ác liệt, thương đau của cuộc chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn khơi dậy tinh thần lạc quan, khát vọng vươn tới độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Người khẳng định chân lý: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!... Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Từ lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khát vọng độc lập, tinh thần đoàn kết của muôn người như một, chúng ta đã thực hiện được tâm nguyện của Bác là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, để rồi mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn, Bắc- Nam sum họp một nhà.
Chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Từ đây, toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta tập trung sức lực và trí tuệ để xây dựng cuộc sống mới.
Khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu
Tiếp nối truyền thống yêu nước, từng người dân Việt Nam lại động viên nhau hăng hái lao động, sản xuất và hướng niềm tin vào Đảng để tiếp tục vượt qua khó khăn với khao khát chiến thắng đói nghèo, lạc hậu.
Với khát vọng đó, người nông dân ngày đêm cần mẫn trên cánh đồng để có mùa mang bội thu; nhà nghiên cứu tìm tòi, phát huy trí tuệ để chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học, đem các công trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn để làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỉ đồng. Các em học sinh, sinh viên thì miệt mài đèn sách để non sông Việt Nam trở nên vẻ vang, dân tộc Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.
Rồi hàng loạt các hợp đồng kinh tế lớn với đối tác nước ngoài được ký kết thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất…. Tất cả những nỗ lực, cống hiến và ước mơ của từng người dân cộng lại đã làm nên khát vọng lớn lao của cả dân tộc.
Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã từng bước vươn lên khẳng định được vị thế, vai trò trên trường quốc tế.
Trong hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam từ chỗ thiếu ăn, đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm và rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên một bước, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm…
Trong quan hệ với các tổ chức quốc tế, nước ta cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc..., đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận ba trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA; chúng ta đã hoàn thành tốt cả ba trọng trách này...
Nhìn vào những thành quả trên để chúng ta có thêm niềm tin, niềm phấn khởi vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của chúng ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Điều đó cũng thể hiện sự phối hợp rất nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”…
Vươn tới phồn vinh, hạnh phúc
Để phát huy hơn nữa khát vọng phát triển đất nước - nguồn lực nội sinh tạo thành sức mạnh vĩ đại của dân tộc - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Ảnh minh họa. |
Như vậy, không chỉ chiến thắng đói nghèo, lạc hậu…, trong thời kỳ mới, khát vọng phát triển đất nước đã được Đảng ta đặt ở tầm cao mới, đó là phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đảng ta đã đề ra mục tiêu: đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để hiện thực hóa khát vọng ấy, đòi hỏi mỗi người, mỗi ngành và toàn hệ thống chính trị phải không ngừng nỗ lực để vươn lên; phát huy tinh thần tự lực tự cường để làm giàu cho Tổ quốc và làm giàu cho chính mình. Đặc biệt, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội đều phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trên tinh thần ấy, Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước cũng không ngừng chăm lo cho đời sống của nhân dân ở những vùng còn nhiều khó khăn bằng các Nghị quyết, chủ trương mang đậm tính nhân văn.
Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại các Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu: phát triển nhanh và bền vững Vùng, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước; coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn là, và trước hết là về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của các địa phương trong vùng và cả nước.
Người đứng đầu Đảng ta cũng nhiều lần nhắc đến khát vọng cống hiến của mỗi người, mỗi ngành: “Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa. Trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.”
Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang từng ngày lớn mạnh để bắt nhịp với sự phát triển của cả nước nói riêng, của các nước trong khu vực và trên thế giới nói chung bằng tinh thần, ý chí và nghị lực nội sinh: “Bỏ sau lưng những tháng ngày gian khổ/Đất quê hương lỗ chỗ vết bom thù/Bước hào hùng với cách mạng mùa thu…./Quê tôi đó, tràn đầy sức trẻ/ Quyết vươn lên, dáng vẻ đất chín rồng”.
Với một dân tộc có tinh thần đoàn kết, giàu quyết tâm và ý chí vươn lên, lại có một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, chúng ta có quyền tự hào để tin tưởng rằng: nội lực ấy sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.