Tham gia buổi tọa đàm có các đại biểu đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP Hải Phòng, Hội Kiều học chi nhánh Hải Phòng…
“Bí quyết thành công”, nghe tựa cuốn sách có nội dung tương tự như những cách dạy con người ta làm giàu lâu nay độc giả tìm kiếm, nhưng “Bí quyết thành công” mang tinh thần Phật giáo, tiếp cận con người ta ở khía cạnh làm người, hướng dẫn con người làm sao để có thể có được một cuộc sống an nhiên, làm sao để bản thân có một cuộc sống có ý nghĩa cho chính mình, cho những người xung quanh và cho cộng đồng.
Và vì vậy, hiểu theo một nghĩa cô đọng nhất, cuốn sách đề cập tới chữ Nhân. Thành nhân chính là thành công. Từ sự trải nghiệm của một con người với một cuộc đời đầy phong ba, đối mặt với bao thử thách, biến động và cũng gặt hái được không ít thành công; và trong suốt hành trình cuộc đời đã đi qua, tư tưởng và triết lý đạo Phật luôn thấm nhuần, tất cả những điều đó được tác giả Nguyễn Sơn Nam đúc kết lại qua lăng kính và chiêm nghiệm của bản thân để rồi chia sẻ cùng cuộc đời thông qua cuốn sách.
Bí quyết thành công” của tác giả, nhà nghiên cứu văn hóa Đức Viên, tên thật là Nguyễn Sơn Nam khá đầy đặn với độ dày hơn 300 trang được chia thành 4 chương. Trong đó, chương 1 mang tên “Cái tôi”; chương 2 “Một góc nhìn về đạo Phật”; chương 3 “Phương châm xử thế” và chương 4 “Văn thơ tổng hợp”.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay, cuốn sách của tác giả Nguyễn Sơn Nam đã đưa người đọc một cái nhìn khác về Phật giáo cũng như đời sống xã hội. Những lập luận của tác giả đã thể hiện đúng sự thật về những vấn đề, cách hành xử của nhiều cá nhân, tổ chức chưa đúng với giáo lý nhà Phật trong thời gian vừa qua. Qua cuốn sách, tác giả đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình, góp phần dẫn dắt con người hướng về đạo Phật, cuộc sống một cách tinh tế.
Với văn phong giản dị, mộc mạc cùng cách trình bày gần gũi, tinh thần khiêm tốn, thanh cao tự tại của người con thấm nhuần tư tưởng đạo Phật, tác giả đã bàn tới nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề mang tính phản biện trên tinh thần khách quan mang tính xây dựng. Đó chính là một trong những điểm đáng chú ý của cuốn sách này.
Nhà nghiên cứu Đức Viên hết sức coi trọng cái “tôi”, mà cái tôi chính là bản ngã của mỗi con người và vì thế, cái tôi quyết định giá trị, sự thành bại của một con người. Chính vì vậy, ông đã dành hẳn chương đầu tiên để bàn luận về cái tôi. Thử giải mã cái tôi theo quan niệm đạo Phật thông qua lăng kính của nhà nghiên cứu văn hóa.
Ông cho rằng: “Khi cái tôi của bạn được hạ xuống, bạn sẽ biết trân trọng mọi người ngay tức khắc”. Tuy nhiên, “để điều khiển được cái tôi là điều rất khó, bởi “Cái tôi của chúng ta như các quả bóng để trong bể nước. Khi bạn ấn quả này xuống, quả khác lại nổi lên”. Dẫu thế, “Ít nhất, ta phải nhận diện ra nó, để kiềm chế và “ cảnh giác” nó!”.
Để kiềm chế và điều khiển được cái tôi, nhà nghiên cứu Đức Viên cũng đưa ra giải pháp bằng cách vận dụng chân lý đạo Phật. Theo ông, “Phật giáo đã đưa ra nhiều cách hướng dẫn để bạn có thể tự điều khiển cái tôi của mình! Ví dụ thỉnh thoảng bạn hãy soi gương, chất vấn con tim của mình để tự hỏi: Mình là ai? Và hãy nhớ, trên trái đất này mình chẳng là cái gì hết! Những gì mình làm ra cũng chưa đủ để trả ơn cho những gì mọi người đang cung dưỡng cho mình?”.
Chỉ riêng bàn về cái tôi, trong cuốn “Bí quyết thành công” nhà nghiên cứu Đức Viên cập nó ở các khía cạnh: “Cái tôi đáng trân trọng”, “cái tôi đáng ghét”, “Cái tôi là căn nguyên của đau khổ”, “Xử lý cái tôi”… Qua đây có thể thấy, với bất kỳ một vấn đề nào được đặt ra, tác giả đều nhìn nhận và phân tích nó ở nhiều mặt, nhiều khía cạnh khác nhau.