Theo tìm hiểu, ngày 6/8/2019, Công ty Tiến Nga do ông Trần Anh Tuấn là GĐ (trụ sở khu 14, xã Dân Quyền) được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 49/GP-UBND với mỏ cát Sông Đà tại xã Hồng Đà (nay là xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) với diện tích khu vực khai thác 32,9ha, sản lượng khai thác 30.000m3/năm.
Công ty Tiến Nga đã có vi phạm khi tổ chức khai thác cát lòng sông Đà vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực mỏ được phép khai thác (theo bề mặt) là 10,5m; khối lượng cát đã khai thác được trên khoang chứa hàng phương tiện tàu chở NĐ-2453 là 213,8m3.
Căn cứ kết quả xác minh, các tài liệu và biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản do Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Phú Thọ) lập; và theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh ngày 24/11/2021; vào ngày 29/11/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3081/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Tiến Nga 120 triệu đồng.
Quyết định của UBND tỉnh còn yêu cầu Công ty Tiến Nga phải nộp lại số tiền tương ứng với giá trị của 213,8m3 cát sông Đà đã khai thác ngoài phạm vi mỏ. Chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc để xác định hành vi vi phạm; buộc cải tạo, phục hồi môi trường; hoàn nguyên khối lượng cát khai thác trái phép; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Tổng mức phạt và khắc phục hậu quả là hơn 141 triệu đồng. Tỉnh Phú Thọ yêu cầu Cty Tiến Nga phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Đáng nói, ngay sau khi bị UBND tỉnh Phú Thọ xử phạt, những tuần đầu tháng 12/2021, Công ty Tiến Nga lại tiến hành khai thác cát gần sát vào khu vực đất canh tác của người dân khu 14, xã Dân Quyền, khiến người dân nơi đây ngày đêm lo lắng, bất an vì bị nứt nhà và những thửa đất canh tác 50 năm của họ có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào.
Ông Hồng, một người dân khu 14 cho biết, điểm khai thác mà Công ty Tiến Nga được cấp phép phải cách khu vực đất canh tác 50 năm của người dân 150m, nhưng theo quan sát thì Công ty cho 2 máy cuốc, 2 máy càng khai thác sát khu đất chưa đến 100m, có hôm hút rầm rộ đến tận 12h đêm.
“Điều khiến chúng tôi lo lắng là khi họ khai thác gần thế, khiến một số nhà gần khu vực bãi bồi đã bị nứt nẻ, còn diện tích đất canh tác của dân có nguy cơ bị xóa sổ. Dân bức xúc nhiều lắm, khi thấy tàu khai thác tiến sát khu vực đất canh tác, đã có phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng không có kết quả, Công ty vẫn tiếp tục khai thác rầm rộ”, ông Hồng nói. Sáng 15/12, mấy chục hộ dân đã ra dựng lều tại bờ sông để đuổi tàu. “Sau đó tàu của họ đã di chuyển xuống khu vực dưới nhưng không biết sẽ quay lên hút cả đêm hôm lúc nào thì chúng tôi không kiểm soát hết được”, ông Hồng nói.
Người dân đề nghị các cơ quan chức năng huyện Tam Nông và tỉnh Phú Thọ cần có biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo các doanh nghiệp khai thác đúng phạm vi được cấp phép để người dân yên tâm sinh sống.