Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ họp trong bối cảnh tình hinh kinh tế, chính trị xã hội của cả nước đang có nhiều chuyển biến. Chủ tịch QH cho biết, kỳ họp này, QH sẽ thông qua nhiều dự án luật quan trọng góp phần tạo điều kiện để Nhân dân có thể tham gia sâu hơn, có tính quyết định với tư cách chủ thể vào những vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Về hoạt động động lập pháp, QH sẽ xem xét thông qua một số dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng tới sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân. Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, Luật kiểm toán nhà nước, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật ban hành văn bản pháp luật...
Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi lần này có 8 chương, 50 điều, trong đó tập trung sửa đổi các nội dung như: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; sự phân cấp của Chính phủ, của các bộ với chính quyền địa phương...
Đối với Luật chính quyền địa phương, một trong những nội dung quan trọng nhất là mô hình tổ chức chính quyền địa phương; phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân trong một số lĩnh vực cụ thể; cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Trong số 15 dự án luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này, còn có Bộ luật dân sự sửa đổi, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi và Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật phí và lệ phí, Luật trưng cầu dân ý...
Một đạo luật được đông đảo cử tri quan tâm là Luật trưng cầu dân ý. Sự ra đời của bộ luật nhằm phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân và mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp, bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ XHCN ở Việt Nam bởi từ Hiến pháp 1946 đến nay vấn đề trưng cầu dân ý mới được cụ thể hóa thành luật của Quốc hội.
Về xem xét, thảo luận các vấn đề KT-XH, tại kỳ họp Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015.
Đặc biệt, tại kỳ họp lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội có báo cáo giám sát chuyên đề về “Tình hình oan, sai trong tố tụng hình sự và bồi thường thiệt hại cho người bị oan”. Nội dung của báo cáo giám sát chuyên đề này tập trung vào đánh giá tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nguyên nhân của tình hình oan sai và việc bồi thường cho người bị oan.
Về công tác phục vụ Kỳ họp, các đại biểu sẽ được sử dụng công nghệ “hỗ trợ tức thì” từ trong nghị trường đang diễn ra cuộc họp liên kết với thư viện của Quốc hội đối với các vấn đề mà đại biểu quan tâm. Theo đó, đại biểu có thể gửi câu hỏi hoặc cần tìm kiếm số liệu về KT-XH, quốc phòng an ninh từ máy tính của mình để kết nối với thư viện Quốc hội và được cung cấp thông tin tức thì phục vụ cho phát biểu, thảo luận, cho ý kiến của đại biểu. “Như vậy, đại biểu sẽ mang máy tính cá nhân vào phòng họp để tra cứu thông tin, chứ không phải để lướt web, đọc báo”, ông Nguyễn Sĩ Dũng thông tin.