Muôn kiểu từ “chèo kéo” đến ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ
Có thẻ ATM và sổ tiết kiệm ở 3 ngân hàng, thời gian gần đây, chị Thanh, thường trú tại Cầu Giấy, Hà Nội liên tục được ngân viên các ngân hàng mời tới nhận quà tặng tri ân khách hàng thân thiết. Tới nơi, chị Thanh mới biết là mình được mời tới để tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ. Nếu chị đồng ý mua, chị sẽ được ngân hàng tặng ngay bộ vali xách tay xinh xắn.
Ngân hàng khác lại mời chị Thuỷ ở Hoàng Mai, Hà Nội đến tư vấn về đủ mọi lợi ích của việc mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng. Nếu chị mua, chị sẽ được tặng ngay một chiếc ô có lô gô ngân hàng và một bộ bát ăn sang trọng!
Không chỉ được tư vấn tận tình, chuyên nghiệp, khách hàng còn được giới thiệu về các sản phẩm đa dạng của bảo hiểm nhân thọ với các lợi ích vượt trội khi mua qua ngân hàng như: có thể tiết kiệm được nhiều thủ tục và thời gian; tất cả dịch vụ đều quy về một mối, khách hàng có thể yên tâm về việc được chăm sóc, hỗ trợ sau này; có thể mua bảo hiểm, nộp phí thường niên, hay yêu cầu quyền lợi qua ngân hang v.v…
Sau những buổi gặp gỡ, tư vấn, gọi điện thoại mời kỳ được mới thôi của các nhân viên ngân hàng, nhiều người đã mang về bỏ két sắt thêm 1 hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ từ các ngân hàng quen thuộc.
Đấy là các trường hợp khách “vãng lai”, tự nguyện “cắn câu” như cách nói của nhiều nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ. Các trường hợp cần vay tiền của ngân hàng thì khác.
Theo phản ánh của anh N.T.V (phố Yên Phụ, Hà Nội), tháng 11/2021 anh đến chi nhánh ngân hàng A trên phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy, Hà Nội để vay 600 triệu đồng mua ô tô. Tuy nhiên để tiếp cận được khoản vay, anh V được mời mua gói bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng với lời “hứa” sẽ giải ngân vốn vay nhanh.
“Do cả gia đình đã mua đầy đủ bảo hiểm nên tôi từ chối. Tuy nhiên nhân viên ngân hàng thuyết phục ‘mua thêm để tích lũy’; đồng thời khẳng định sẽ được lãnh đạo ngân hàng duyệt hồ sơ nhanh nếu tham gia gói bảo hiểm”, anh N.T.V kể.
Từng đi vay 2 tỷ đồng tại một ngân hàng B, chị N.N.Q, phố Yên Phụ, Tây Hồ than thở cũng phải tham gia gói bảo hiểm 50 triệu đồng thì hồ sơ xét duyệt vay tiền mới thông. Để được việc, chị Q đã đồng ý tham gia nhưng vay vốn xong là bỏ gói bảo hiểm vì không có khả năng tài chính đóng định kỳ.
Cần sự giám sát nghiêm ngặt hơn của cơ quan chức năng
Mặc dù câu chuyện ngân hàng ép khách mua bảo hiểm nhân thọ đã được nhiều khách hàng phản ảnh, các ngân hàng cũng đã có nhiều biện pháp, quy định để chấn chỉnh nhưng tình trạng giải ngân khoản vay đồng thời khách hàng phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vẫn tiếp tục diễn ra.
Nhiều người cũng bức xúc phản ánh chuyện ngân viên ngân hàng khi mời mua bảo hiểm nhân thọ thì rót mật vào tai khách, nhưng khi khách gặp sự cố cần hỗ trợ thì như “gà mắc tóc”, không xử lý được do không có chuyên môn sâu về bảo hiểm hoặc đã nghỉ việc tại ngân hàng, khiến khách hàng bối rối.
Chị Dương Ánh, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã tham gia hai gói bảo hiểm nhân thọ cho các con sau khi vay vốn tại ngân hàng. Tuy nhiên, khi con trai tôi nằm viện mổ ruột thừa, tôi đã liên hệ với nhân viên ngân hàng để được giải quyết hưởng bảo hiểm thì nhân viên liên tục phải xin hỗ trợ từ phía công ty bảo hiểm, khiến việc giải quyết rất chậm và không chuyên nghiệp”.
Quay trở lại trường hợp của gia đình anh Lương Việt Cường ở Ba Đình, Hà Nội mà Báo PLVN đã phản ánh. Khi gia đình anh không đồng ý mua gói bảo hiểm nhân thọ 45 triệu/1 năm cho khoản vay hơn 1 tỷ đồng có thế chấp sổ đỏ thì thái độ của nhân viên ngân hàng cũng quay ngoắt 1800, thẳng thừng tuyên bố nếu không mua bảo hiểm sẽ không được giải ngân. Không chấp nhận được thái độ của nhân viên ngân hàng, sáng 31/12/2021, gia đình anh Cường đã làm thủ tục huỷ hồ sơ, không tiếp tục vay vốn tại ngân hàng.
Không chấp nhận được thái độ của nhân viên ngân hàng, sáng 31/12/2021, gia đình anh Cường đã làm thủ tục huỷ hồ sơ, không tiếp tục vay vốn tại ngân hàng. |
Tại khoản 4, Điều 10 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 quy định rõ: Nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Hiện cũng không quy định nào bắt buộc người vay vốn ngân hàng phải mua bảo hiểm song thực tế ở nhiều ngân hàng, việc tự nguyện mua bảo hiểm chỉ mang tính hình thức. Đơn giản, nếu không mua gói bảo hiểm khả năng được giải ngân sẽ khó khăn hơn nhiều. Để được vay, khách hàng đành phải ngậm ngùi tham gia gói bảo hiểm một cách không vui vẻ. Bên cạnh đó, doanh số bán bảo hiểm cũng là một phần chỉ tiêu mà các ngân hàng áp cho nhân viên nên khi gặp khách muốn vay vốn, nhân viên ngân hàng sẽ tìm mọi cách chào mời khách mua bảo hiểm. Khách hàng vì muốn giải ngân nhanh nên thường ngậm ngùi mua bảo hiểm nhân thọ dù không thực sự có nhu cầu.
Ngày 31/7/2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 8533/BTC-QLBH gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng (nếu có).
Tuy nhiên, tình trạng các ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm nhân thọ vẫn diễn ra rất phổ biến. Điều này đòi hỏi thời gian tới, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải tiếp tuc hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng để bảo đảm hoạt động này tuân thủ nghiêm các quy định về quyền tự do lựa chọn của khách hàng.