Sở Giao thông Vận tải TP HCM được giao tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đăng kiểm phương tiện. Làm gờ giảm tốc, xây dựng đường gom xóa lối đi tự mở, tổ chức cảnh báo bảo đảm an toàn tại điểm giao cắt với đường sắt...
Đặc biệt, TP nhấn mạnh Sở Giao thông Vận tải việc ưu tiên khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Ngoài ra, đơn vị này phải triển khai kết nối, khai thác dữ liệu từ các hệ thống camera giám sát của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, khai thác dữ liệu giám sát hành trình từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải.
Công an TP HCM được giao phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện công tác tuần tra, thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đảm bảo an toàn giao thông. Song song đó thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, duy trì trật tự, kỷ cương trong giao thông đô thị.
UBND TP HCM vừa chấp thuận cho Sở Giao thông Vận tải TP HCM tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ điều kiện để nghiên cứu lập 5 đề án:
Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM đến năm 2030.
Đề án Kiểm soát và hạn chế hoạt động vận tải hàng hóa trên đường bộ vào ban ngày trên địa bàn TP HCM.
Đề án Thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ trên địa bàn TP HCM.
Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Và Đề án Quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trong khu vực nội thành, kết hợp với quy định về vị trí dừng, đỗ đón trả khách.
Các đề án trên nhằm hạn chế tai nạn giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP HCM.