Thủ tướng Matteo Renzi, 41 tuổi, cho rằng cải cách hiến pháp sẽ giúp tăng cường sự ổn định chính trị và giải quyết vấn đề bộ máy quan liêu ở Italy. Phát biểu trong cuộc vận động cử tri ở thành phố Florence ngày 2/11, ông Renzi khẳng định “Italy sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất châu Âu” nếu kế hoạch cải cách này được thông qua.
Mạnh – yếu cho Italy
Việc cải cách hiến pháp cũng sẽ giúp giảm bớt quy mô và quyền lực của Thượng viện (từ 315 thượng nghị sĩ xuống còn 100 thượng nghị sĩ), chấm dứt tình trạng bế tắc thường hay xảy ra trong quá trình lập pháp. Hiện nay, cả Thượng viện và Hạ viện Italy có quyền lực ngang bằng nhau, đều chịu trách nhiệm thông qua các dự luật và đây là nguyên nhân gây nên sự bế tắc này. Ngoài ra, theo đề xuất cải cách hiến pháp của Thủ tướng Renzi, quyền lực của các chính quyền địa phương cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể.
Nếu Thủ tướng Renzi giành thắng lợi, vị thế của ông ở Italy và trên chính trường châu Âu sẽ được củng cố. Hoạt động của các cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tiến trình lập pháp sẽ không còn bị kéo dài. Bên cạnh đó, các chương trình cải cách kinh tế sẽ tiếp tục được tiến hành và đây là yếu tố cốt lõi nhằm tái cơ cấu nền kinh tế đang trì trệ của Italy. Mối quan ngại lâu nay của châu Âu và cả thế giới sẽ được giải tỏa.
Italy đang gánh một khoản nợ công khổng lồ lên tới 132% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên hiện ở mức gần 40%. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italy hiện là 360 tỷ euro, chiếm khoảng 1/3 tổng nợ xấu của các ngân hàng thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone).
Thua đậm
Thế nhưng, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tại 46.454 trên tổng số 61.551 điểm bỏ phiếu ở Italy, cập nhật sáng qua - 5/12 (theo giờ Việt Nam), cho thấy có tới 59,43% cử tri bỏ phiếu phản đối cải cách hiến pháp trong khi chỉ có 40,57% bỏ phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp tại nước này.
Trước đó, hãng tin ANSA cho biết các cuộc thăm dò sau bỏ phiếu cũng cho thấy Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã bị “thua đậm” trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong ngày 4/12. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Rome, Thủ tướng Renzi cho biết sẽ thông báo việc từ chức trong cuộc họp nội các chiều cùng ngày và tiếp đó sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Tuy nhiên, Thủ tướng Matteo Renzi cũng nhấn mạnh rằng “thất bại này của phe cải cách là không thực sự thuyết phục”.
Kết quả trưng cầu dân ý được coi là một thắng lợi cho nhiều đảng phái đối lập ở nước này, dẫn đầu là Phong trào 5 sao (M5S) theo chủ nghĩa dân túy. Lãnh đạo M5S, Beppe Grillo kêu gọi một cuộc bầu cử càng sớm càng tốt. Mục tiêu của M5S là sẽ giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới và tiếp đến là xem xét lại mối quan hệ giữa Italy và Liên minh Châu Âu (EU). Theo các cuộc thăm dò trước cuộc trưng cầu dân ý, hiện nay M5S là phong trào chính trị lớn thứ 2 tại Italy chỉ sau đảng Dân chủ (PD) trung hữu của Thủ tướng Matteo Renzi.
Lãnh đạo đối lập thuộc Liên đoàn phương Bắc (Lega), vốn có chủ trương chống người nhập cư, Matteo Salvini cũng kêu gọi phải tiến hành bầu cử trước thời hạn ngay lập tức. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử trước thời hạn khó có thể diễn ra do sự phản đối trong quốc hội. Trong những ngày tới, Tổng thống Mattarella sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Ngay từ tuần này, Chính phủ Italy, một chính phủ kỹ trị, sẽ phải nhanh chóng thành lập. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên là đảm bảo thông qua ngân sách quốc gia 2017. Rất nhiều cái tên đã được nhắc tới, trong đó Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pier Carlo Padoan sẽ là một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí thủ tướng.
Theo ANSA, việc Thủ tướng Renzi tuyên bố từ chức ngay sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách hiến pháp, đã tạo ra cú “sốc” mới tại EU, đồng thời tạo đà cho chủ nghĩa dân túy tiếp tục phát triển. Sau sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit và thắng lợi của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ, chiến thắng áp đảo của phe nói “Không” với cải cách hiến pháp ở Italy đang tạo ra mối quan ngại về “một hiệu ứng Domino” có thể xảy ra những kết quả bất ngờ đối với các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức trong năm 2017. Đồng thời, những bất ổn chính trị trong chính trường cùng những thách thức khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Italy có thể làm đảo lộn toàn bộ khu vực châu Âu.
Đồng euro rớt giá mạnh
Cùng ngày 5/12, tại thị trường châu Âu, tỷ giá đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua so với đồng USD. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố từ chức do kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12 tại nước này cho thấy đa số người dân không ủng hộ dự luật cải cách hiến pháp mà chính phủ khởi xướng, đe dọa đẩy hệ thống ngân hàng Italy rơi vào tình trạng bất ổn.
Trong phiên giao dịch sáng 5/12, tỷ giá đồng euro đã giảm tới 1,4% so với đồng USD, xuống còn 1 euro đổi 1,0505 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015, trước khi nhích lên 1,0539 USD đổi 1 euro. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất tính từ tháng 6 vừa qua, khiến giới phân tích nhận định rằng nếu đồng euro tiếp tục giảm xuống mức thấp ghi nhận hồi tháng 3/2015 là 1,0457 USD đổi 1 euro, thì “kịch bản” tỷ giá 1 USD đổi 1 euro rất có thể xảy ra.
Cũng trong phiên giao dịch sáng 5/12, tỷ giá đồng euro đã giảm tới 2,1% so với đồng yen của Nhật Bản, còn 1 euro đổi 118,71 yen. Trong khi đó, đồng nội tệ Nhật Bản cũng tăng 0,3% so với đồng USD, được giao dịch ở mức 112,87 yen đổi 1 USD. Tỷ giá đồng tiền chung châu Âu cũng giảm hơn 0,7% so với đồng bảng Anh, xuống còn 0,8315 bảng/euro - mức thấp nhất kể từ cuối tháng Bảy vừa qua. Giới đầu tư lo ngại bất ổn mới ở Italy sẽ “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới và làm rung chuyển hệ thống ngân hàng vốn đang rất “ốm yếu” của quốc gia này.