Âm mưu táo tợn
Theo tờ Jakarta Post, cảnh sát Indonesia đã nhận được 1 bức thư từ Singapore hôm 1/7, thông báo rằng một nhóm khủng bố ở Batam và đảo Bintan ở gần đó đang lập kế hoạch thực hiện một vụ tấn công.
Sau một thời gian tiến hành điều tra, đến ngày 5/8 vừa qua, cảnh sát Indonesia đã tiến hành các cuộc đột kích tại nhiều địa điểm khác nhau trên đảo Batam của Indonesia, nằm cách Singapore chỉ 15km về phía Nam, bắt giữ 6 phần tử cực đoan bị tình nghi có liên quan. Cảnh sát Indonesia cho biết, những đối tượng này bị bắt khi đang lập kế hoạch phóng rocket từ đảo Batam nhằm vào Singapore.
Giới chức Indonesia cho hay những kẻ vừa bị bắt giữ trong độ tuổi từ 19 đến 46 tuổi. Chúng bị cáo buộc là thành viên của nhóm khủng bố KGR@Katibah GR hoạt động ở Indonesia. Trong đó, kẻ đứng đầu của nhóm này được xác định là tên Gigih Rahmat Dewa.
Theo truyền thông địa phương, tên này là một công nhân 31 tuổi, đang làm việc tại một nhà máy ở thành phố Solo trên đảo Java. 4 tên khác trong số những kẻ vừa bị bắt giữ làm việc tại các nhà máy sản xuất đồ điện và một tên làm việc trong ngân hàng.
Người đứng đầu cảnh sát quốc gia Indonesia Tito Karnavian thông báo: “6 người do tên Gigih Rahmat Dewa đứng đầu đã lập kế hoạch thực hiện các vụ tấn công. Chúng đã giữ liên hệ trực tiếp với chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) Bahrun Naim ở Syria và chính tên này đã ra lệnh cho họ tấn công Singapore và Batam”.
Các nhà điều tra ở Indonesia cho rằng tên Naim chính là một trong những kẻ chủ mưu đứng sau vụ tấn công khiến 8 người thiệt mạng, bao gồm 4 kẻ tấn công tại thủ đô Jakarta của Indonesia hồi tháng 1 vừa qua.
Sau vụ tấn công ở Paris, Pháp hồi tháng 11/2015, y cũng đã có 1 bài viết được đăng tải trên mạng, theo đó thúc giục những phần tử cực đoan theo hắn ở Indonesia nghiên cứu để học tập những kẻ tấn công ở Pháp về cách thức lập kế hoạch, chọn mục tiêu và thời điểm tấn công.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Singapore Kasiviswanathan Shanmugam, mục tiêu tấn công của những tên này là Vịnh Marina – một khu vực giải trí nổi tiếng của đảo quốc Sư tử với một cây cầu đi bộ ven sông, một cây cầu đu quay khổng lồ và một khu nghỉ dưỡng hạng sang ở Singapore. Các tuyến phố của khu vực Vịnh Marina chính là nơi diễn ra các trận đua trong khuôn khổ giải đua Công thức 1 được tổ chức mỗi năm của Singapore.
Vụ bắt giữ các đối tượng trên diễn ra chỉ ít ngày trước ngày Quốc khánh 9/8 của Singapore với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí và lễ hội quy mô lớn đã được lên kế hoạch vào ngày này.
Một số nhà phân tích an ninh bày tỏ nghi ngờ về khả năng thực hiện một vụ tấn công nhằm vào Singapore từ đảo Batam. Tuy nhiên, ông Tim Ripley ở tờ tuần báo Quốc phòng Jane cho rằng điều này là hoàn toàn khả thi. “Những tên lửa có thể sử dụng có thể là các biến thể tầm xa của tên lửa Grad vốn do Nga sản xuất nhưng đã bị sao chép ở Trung Quốc, Iran, Pakistan và một số nước khác” – ông Ripley nhận định.
Hồi chuông báo động
Bộ Nội vụ Singapore sau đó đã ra tuyên bố cho biết các cơ quan an ninh của nước này đang phối hợp chặt chẽ với giới chức Indonesia để giám sát hoạt động của nhóm khủng bố và để truy bắt những đối tượng có liên quan đến vụ việc. Cảnh sát Indonesia cho biết thêm rằng họ đã tiến hành khám xét nơi ở của các nghi phạm, thu giữ được một số vũ khí và vẫn đang tiếp tuc mở rộng điều tra làm rõ vụ tấn công.
Singapore là một đất nước đa sắc tộc đồng thời cũng là một trung tâm thương mại, ngân hàng và du lịch nổi tiếng của thế giới. Do đó, đảo quốc này cũng là nơi có nhiều người từ các nước phương Tây cư trú.
Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, giới chức Singapore đã ngăn chặn thành công một âm mưu đánh bom nhằm vào vài đại sứ quán nước ngoài ở nước này. Năm 2002, một phần tử cực đoan người Singapore bị cáo buộc đã âm mưu đâm một chiếc máy bay bị không tặc vào sân bay của thành phố nhưng không thành.
Cảnh sát Indonesia khám nhà các nghi phạm vừa bị bắt giữ |
Chính vì vậy nên âm mưu tấn công táo tợn vừa bị lật tẩy đã như một hồi chuông báo động về an ninh với giới chức nước này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Singapore Shanmugam, vụ việc đã cho thấy kẻ thù của Singapore đang tìm nhiều cách khác nhau để tấn công nước này.
“Những kẻ khủng bố không chỉ đang tìm cách để vượt qua được những trạm kiểm soát để thực hiện các vụ tấn công mà chúng còn âm mưu gây án từ bên ngoài. Đây là một mối đe dọa mới bên cạnh nguy cơ từ các vụ tấn công do những con sói đơn độc là những cá nhân hay tổ chức bị cực đoan hóa gây ra. Chúng ta cần phải tăng cường cảnh giác hơn nữa” – ông Shanmugam nói.
Hiện giới chức Singapore đã thắt chặt an ninh ở đảo quốc đồng thời kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác nhằm phát giác sớm các âm mưu tấn công. Cảnh báo đe dọa khủng bố tại Singapore đã được nâng cao tới mức miêu tả tình hình ở nước này là “nghiêm trọng”.
Bộ trưởng Nội vụ Shanmugam cho hay, Thủ tướng Lý Hiển Long trong tháng tới sẽ chính thức thông báo về sự ra đời của phong trào an ninh quốc gia SG với những biện pháp cụ thể để huy động toàn bộ cộng đồng tỉnh táo về an ninh hơn và tham gia vào cuộc chiến chống các vụ tấn công khủng bố.
IS muốn biến Đông Nam Á thành cứ địa mới?
Vẫn theo các chuyên gia, vụ việc cho thấy những phần tử cực đoan ở Đông Nam Á đang chuẩn bị cho những vụ tấn công phức tạp hơn những vụ việc đã diễn ra trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, trong một báo cáo được công bố ít ngày sau vụ phá âm mưu tấn công Singapore nói trên, giới chức Malaysia ngày 7/8 cảnh báo rằng các phần tử cực đoan ở Indonesia đang tìm cách để biến khu vực Đông Nam Á trở thành cứ địa mới của nhóm khủng bố IS. Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi dẫn các nguồn tin tình báo của nước này cho hay, khoảng 300 phần tử thuộc nhóm cực đoan Abu Bakar Bashir có trụ sở tại Indonesia đã được phóng thích khỏi nhà tù và đã tới đảo Batam.
“Đảo này cách Singapore chỉ 1 quãng ngắn. Từ khu vực này, chúng muốn biến khu vực Đông Nam Á thành một căn cứ mới của IS” – ông Zahid Hamidi nói. Abu Bakar là nhóm cực đoan do tên Jemaah Islamiyah – kẻ đứng sau các vụ đánh bom tại Bali năm 2002 và đã bị kết án 15 năm tù giam – đứng đầu.
Ông Ahmad Zahid cũng cảnh báo người Malaysia rằng chủ nghĩa cực đoan hiện đã phát triển đến giai đoạn không còn là mối nghi ngờ nữa và người dân cần phải đặt nghi vấn về việc chúng sẽ làm gì tiếp theo.
Ông cũng cho hay giới chức Malaysia đang phối hợp với các nước khác để tìm ra các cách thức nhằm củng cố an ninh trong khu vực nhằm đối phó với mối đe dọa đang ngày càng gia tăng của chủ nghĩa cực đoan tại khu vực Đông Nam Á.
Indonesia là nước có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Bản thân nước này cũng đã trở thành mục tiêu của nhiều cuộc tấn công do những phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành thời gian qua. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom vào 2 câu lạc bộ đêm tại đảo nghỉ dưỡng Bali khiến 202 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, một loạt các vụ tấn công khác cũng đã xảy ra tại nước này trong những năm 2000.
Cảnh sát Indonesia sau đó đã thành công trong việc tiêu diệt các phần tử cực đoan trong nước nhưng họ hiện lo ngại rằng ảnh hưởng của IS sẽ đưa đến sự trỗi dậy của làn sóng bạo lực do những phần tử thánh chiến gây ra.
Cảnh báo trên hoàn toàn là có cơ sở khi một số nhóm cực đoan ở Indonesia thời gian qua đã tuyên bố trung thành với IS còn ở Malaysia, những con sói đơn độc có tình cảm với IS cũng đã tích cực hoạt động trên các trang mạng xã hội khi kêu gọi những phần tử cực đoan thực hiện các vụ tấn công trong khu vực.
Vài trăm người Đông Nam Á hiện đang có mặt tại Syria và Iraq để chiến đấu cho IS. Tại Philippines, sự gia tăng các hoạt động có liên quan đến IS cũng đã làm gia tăng lo ngại rằng khu vực miền Nam Philippines có thể sớm biến thành một tỉnh của IS.