Iran thà “thắt lưng buộc bụng” chứ không "ngán" Mỹ?

Người dân Iran theo dõi tin tức về lệnh trừng phạt của Mỹ
Người dân Iran theo dõi tin tức về lệnh trừng phạt của Mỹ
(PLO) - Chính phủ Mỹ trong tuần qua đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương và nghiêm ngặt với Iran - biện pháp vốn đã được Washington dỡ bỏ theo thỏa thuận  hạt nhân đa bên mang tính lịch sử được ký kết năm 2015 nhưng đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi hồi tháng 5.

Khó khăn bủa vây Iran

Hôm tuần trước, ông Trump đã ký sắc lệnh điều hành, theo đó tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc sử dụng đồng USD, vàng và các kim loại quý khác để mua bán các vật liệu được sử dụng trong sản xuất công nghiệp như nhôm, thép, máy bay thương mại, than đá với Iran. 

Lệnh trừng phạt mới cũng chấm dứt việc nhập khẩu mặt hàng thảm và quả hồ trăn – 2 sản phẩm mang tính biểu tượng quan trọng của Iran – từ Iran vào Mỹ. Vòng trừng phạt đầu tiên của Iran với các biện pháp trừng phạt này chính thức có hiệu lực từ 0h01 (4h31 GMT) ngày 6/8. 

Trong sắc lệnh điều hành, ông Trump tuyên bố các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt nhằm gây áp lực tài chính lên Iran hòng đạt được một giải pháp lâu dài và toàn diện với những mối đe dọa từ Tehran, trong đó có việc phát triển tên lửa và những hành động mà ông cho là mang tính ác ý trong khu vực. Theo Tổng thống Mỹ, thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa các cường quốc và Iran vào năm 2015 là “tồi tệ, một phía và không đạt được mục tiêu cơ bản là ngăn chặn mọi ngả dẫn tới việc Iran có bom hạt nhân”.

Việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt chính là hậu quả của việc chính quyền Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran có tên gọi JCPOA được ông Trump công bố hồi tháng 5 vừa qua. Ngày 6/8 đánh dấu sự kết thúc giai đoạn “thả lỏng” đầu tiên, tức quãng thời gian mà chính phủ Mỹ gọi là nỗ lực của nước này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài giảm bớt quy mô các hoạt động kinh doanh mà họ đã thiết lập tại Iran sau khi JCPOA có hiệu lực. 

Vòng trừng phạt mở rộng thứ 2 của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/11 tới, sau khi kết thúc giai đoạn “thả lỏng” kéo dài 90 ngày. Các lệnh trừng phạt này được dự báo sẽ tập trung vào hoạt động xuất khẩu dầu khí, năng lượng và Ngân hàng trung ương của Iran. 

Động thái của Mỹ đã khiến căng thẳng trong nội bộ Iran gia tăng trong bối cảnh tại nước này những ngày qua liên tục xảy ra biểu tình và đình công ở nhiều thành phố, thị trấn vì tình trạng thiếu nước, giá cả các mặt hàng tăng cao  và cả các vấn đề liên quan đến hệ thống chính trị. Trên thực tế, đồng rial của Iran đã mất đi một nửa giá trị kể từ khi ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được năm 2015. 

Iran “thắt lưng buộc bụng”

Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố ông vẫn để ngỏ khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn với Iran, một thỏa thuận mà theo ông sẽ giải quyết tất cả những hành động “ác ý” của Iran, bao gồm “chương trình tên lửa đạn đạo và ủng hộ chủ nghĩa khủng bố”. 

Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tỏ ra không mặn mà với đề xuất này. Theo Tổng thống Rouhani, Iran có thể vượt qua áp lực của Mỹ nếu đoàn kết. Miêu tả đề nghị đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết nào được Tổng thống Mỹ đưa ra hồi tháng trước là hành động phát động “chiến tranh tâm lý chống lại Iran”, ông Rouhani tuyên bố Iran cần phải nhìn thấy sự chân thành từ phía Mỹ trước khi bước vào bất cứ cuộc đàm phán nào. “Họ là những người đã từ bỏ kết quả đàm phán và bàn đàm phán”, ông Rouhani nói về quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của ông Trump.

Đồng rial của Iran đã mất đi một phần giá trị sau động thái của ông Trump
Đồng rial của Iran đã mất đi một phần giá trị sau động thái của ông Trump

Theo Tổng thống Iran, người đề nghị đàm phán phải chứng minh rằng họ muốn giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. “Đàm phán với các lệnh trừng phạt sẽ không có tác dụng”, ông nói.

Trong các bước đi nhằm giảm thiểu những khó khăn mà nền kinh tế Iran đang đối mặt, Thống đốc Ngân hàng trung ương của nước này Abdolnaser Hemmati thông báo dỡ bỏ giới hạn về số USD và vàng mà người dân Iran có thể mang về nước. Trước đó, Iran áp dụng giới hạn 11.500 USD. Ngoài ra, ông Hemmati cũng thông báo chính phủ Iran sẽ trợ giá thuốc và thực phẩm để đảm bảo người dân có thể mua được những mặt hàng thiết yếu. 

Tổng thống Iran Rouhani ngày 6/8 cũng đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu đối với 1.500 mặt hàng tiết kiệm ngoại tệ cho những mặt hàng cấp thiết hơn. Ngân hàng trung ương Iran trong khi đó thông báo dỡ bỏ lệnh cấm với việc giao dịch các loại tiền tệ mà theo các nhà kinh tế đã khiến tình hình kinh tế ở nước này trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian qua. “Khi Mỹ trừng phạt chúng tôi thì chúng tôi sẽ mở cửa thị trường hơn”, Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran Hemmati tuyên bố.

Theo ông John Glaser – Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Cato, Mỹ xem các lệnh trừng phạt là công cụ để gây áp lực buộc Iran phải quay trở lại bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân với những điều khoản hợp ý ông Trump hơn. “Nhưng điều đó sẽ không xảy ra”, ông Glaser nhận định. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dù thừa nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể dẫn tới sự gián đoạn một số hoạt động của Iran cũng cho rằng phản ứng toàn cầu trước động thái của ông Trump cho thấy “Mỹ đã bị cô lập về mặt ngoại giao”.

Làn sóng doanh nghiệp châu Âu rời Iran 

Việc Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt được dự báo sẽ tác động tiêu cực lớn hơn tới nền kinh tế Iran. Tổng thống Mỹ ngày 7/8 trên mạng xã hội tuyên bố các lệnh trừng phạt với Iran là các biện pháp “đau đớn nhất từ trước tới nay” của Washington với Tehran. Ông Trump cảnh báo các đối tác thương mại rằng họ sẽ phải lựa chọn 1 là làm ăn với Mỹ và 2 là Iran nếu không muốn nhận những hậu quả nghiêm khắc vì tiếp tục làm ăn với Iran.

Trưởng phái đoàn ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini trong tuần qua đã lên tiếng bày tỏ sự lấy làm tiếc của khối cũng như Anh, Pháp và Đức về động thái của Mỹ. Bà Mogherini cũng khẳng định các nước này sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý để bảo vệ những doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Iran. 

Công cụ chính của EU tại thời điểm này là “Quy chế ngăn chặn” được đưa ra nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. “Quy chế ngăn chặn sẽ cho phép các doanh nghiệp châu Âu khắc phục được hậu quả phát sinh từ việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt và vô hiệu hóa tác động của bất cứ phán quyết do nước ngoài đưa ra dựa trên các lệnh trừng phạt của Mỹ tại châu Âu.

Quy chế này cũng cấm các cá nhân ở EU tuân thủ những lệnh trừng phạt đó, trừ những trường hợp đặc biệt được Ủy ban châu Âu cho phép vì việc không tuân thủ sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích của EU hay lợi ích của các cá nhân đó”, thông cáo của EU cho hay.

Tuy nhiên, bất chấp những trấn an từ giới hữu trách EU, vẫn đã có thêm làn sóng các doanh nghiệp châu Âu rời khỏi Iran trong những ngày qua. Nghị sỹ Aldo Carcaci của Bỉ thừa nhận rằng các biện pháp của châu Âu chỉ mang tính lý thuyết bởi thực tế lợi ích từ việc làm ăn với Mỹ luôn vượt trội so với triển vọng hợp tác với Iran. 

Thêm vào đó, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng các biện pháp của EU khó có thể thuyết phục được các công ty lớn tiếp tục làm ăn với Iran. Các công ty, tổ chức và cá nhân đều không muốn dính dáng vào những rắc rối có thể phát sinh từ việc không tuân thủ các lệnh trừng phạt do Mỹ thông báo vốn có thể dẫn tới những khoản tiền phạt lớn. Trước đó, kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhiều công ty lớn của châu Âu cũng đã rời khỏi thị trường này do lo ngại những biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Ngược lại, nhiều người cho rằng tình hình hiện nay sẽ có lợi cho một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga… Các nước này đều đã lên tiếng ngụ ý cho biết sẽ không cắt hoàn toàn việc mua năng lượng từ Iran. Theo Tổng thống Iran Hassan Rouhani, khi một công ty của Pháp rút khỏi một dự án khí đốt đã ký với Iran, Trung Quốc đã ngay lập tức vào thế chỗ. “Trong tình hình hiện nay, các nước châu Á rất quan trọng với chúng tôi”, ông Rouhani tuyên bố.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.