Theo AFP, chính sách thuế nói trên được giới chức Indonesia bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 7 vừa qua, trong bối cảnh Tổng thống Joko Widodo đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách khác nhau để thu được thêm tiền nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm chạp của nước này. Theo chính sách ân xá thuế nói trên, người dân Indonesia được đề nghị công bố khối tài sản đang được che giấu của họ để đổi lấy việc phải nộp phạt với mức phạt thấp hơn nhiều so với mức thuế suất thông thường.
Chính phủ Indonesia kỳ vọng sáng kiến này sẽ giúp thu hút hàng chục tỉ USD mà người dân nước này đang giấu ở nước ngoài, đặc biệt là ở nước láng giềng Singapore, đồng thời tăng lượng người chấp nhận nộp thuế ở đất nước vốn chỉ có 10% người dân nộp thuế này.
Trong giai đoạn đầu của chương trình ân xá thuế này, những người chịu công khai tài sản của họ sẽ chỉ phải nộp từ 2% đến 4% trên tổng giá trị những tài sản được công khai. Giai đoạn này vừa khép lại hồi tuần trước với kết quả tốt hơn dự kiến do lượng người thực hiện tăng cao trong những ngày cuối cùng.
Cụ thể, theo thống kê của Bộ Tài chính Indonesia, trong 3 tháng qua đã có hơn 350.000 người công bố tài sản, với tổng giá trị của các tài sản này lên đến 3.620 nghìn tỉ rupiah (tương đương 278 tỉ USD). Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Indonesia đã thu được thêm 97,2 tỉ rupiah (7,46 tỉ USD).
Ngay sau khi kết quả nói trên được công bố, ông Widodo đã lên tiếng ca ngợi “sự tin tưởng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ” trong khi các nhà phân tích ở nước này đã hoan nghênh khởi đầu tốt đẹp của chương trình ân xá thuế dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 3/2017 này.
Tuy nhiên, sáng kiến nói trên của giới chức Indonesia cũng khiến nhiều nhà hoạt động và một số người dân ngày càng bức xúc trong những tuần gần đây khi danh sách dài những tỉ phú giàu nhất nước này đua nhau công khai tài sản mà không phải khai báo rõ nguồn gốc của số tài sản đó.
Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng đã khuyến khích những người đứng đầu các doanh nghiệp tham gia chương trình ân xá thuế để thúc đẩy sự chú ý của người dân vào sáng kiến này, với nhiều người thuộc tầng lớp siêu giàu được ưu tiên vào khu vực VIP khi họ đến văn phòng thuế để công bố tài sản. Chính việc ưu tiên như vậy đã khiến nhiều người dân nổi giận, cho rằng Chính phủ đang đối xử với những người giàu như những anh hùng dù họ chỉ đơn giản là đi nộp khoản thuế mà lẽ ra họ đã phải nộp từ lâu.
“Những hình đó khiến nhiều người có cảm giác nhưng người tham gia chương trình ân xá thuế là những anh hùng đang giúp phát triển đất nước dù trên thực tế họ không nộp thuế mà chỉ nộp phạt” – ông Firdaus Ilyas, một nhà hoạt động thuộc tổ chức theo dõi tham nhũng Indonesia nói.
Còn lượng nhỏ những người Indonesia vẫn thường xuyên nộp thuế, nhiều người tỏ ra thất vọng khi những người siêu giàu lại chỉ phải trả số tiền thấp hơn tỉ lệ phải nộp theo quy định. Theo luật của Indonesia, mức thuế suất thông thường với các cá nhân rơi vào khoảng từ 5 đến 30% tùy theo thu nhập của họ còn thuế suất với doanh nghiệp là 25%.
“Việc ân xá thuế chỉ tốt với những người giàu. Việc đó là không công bằng vì tôi vẫn thường xuyên trả phần thuế mà tôi phải nộp” – ông Johni Yusuf, chủ một cửa hàng bán đồ gia dụng ở Jakarta, bức xúc.