Theo AFP, ông Widodo và các quan chức Indonesia sẽ bật đèn xanh cho tuyến đường dài 16km, được đưa vào sử dụng sau 6 năm xây dựng theo một dự án trị giá 1,1 tỉ USD do Nhật Bản hỗ trợ.
Tuyến tàu điện ngầm nói trên sẽ chạy ở cả bên trên và dưới lòng đất từ khác sạn Hotel Indonesia ở trung tâm thủ đô tới các khu vực phía nam của siêu đô thị Đông Nam Á với khoảng 30 triệu dân.
Theo đơn vị vận hành, tuyến tàu điện này sẽ giúp cắt giảm thời gian di chuyển giữa 2 điểm từ 2 giờ đồng hồ xuống chỉ còn 30 phút, giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn thay vì thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường.
Tuyến đường mới này dự kiến sẽ mở cửa để công chúng có thể sử dụng từ ngày 25/3. Trong tuần đầu vận hành, hành khách sẽ được miễn phí tiền vé.
Cũng trong ngày 24/3, Indonesia sẽ khởi công tuyến tàu điện ngầm thứ 2 nối trung tâm Jakarta với cảng biển phía bắc thành phố. Tuyến tàu này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Indonesia dự kiến cũng sẽ xây dựng nhiều tuyến tàu tương tự trong tương lai.
Một mạng lưới đường sắt trên cao riêng biệt cũng đang được Indonesia xây dựng để liên kết các thành phố vệ tinh với Jakarta.
Các dự án giao thông công cộng nói trên là một phần trong nỗ lực thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng mà Tổng thống Indonesia Widodo đang thực hiện nhằm kích thích sự phát triển của Indonesia cũng như giúp ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng tới.
Trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, thu nhập của người dân ở quốc gia 260 triệu người này đã tăng nhanh, tỉ lệ thuận với số người thuộc tầng lớp trung lưu cũng như số lượng xe cá nhân.
Điều này dẫn tới tình trạng tắc nghẽn giao thông kinh hoàng, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm không khí và thiệt hại nặng nề về kinh tế. Theo số liệu của chính phủ, tắc đường khiến nền kinh tế Indonesia mất khoảng 4,6 tỉ USD mỗi năm.
Các nhà môi trường hy vọng rằng tuyến tàu điện ngầm mới sẽ giúp giảm khoảng một nửa lượng khí thải carbon từ hoạt động giao thông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng hệ thống giao thông công cộng mới sẽ không thể ngay lập tức giảm được tình trạng giao thông ở thành phố mà người dân vẫn yêu thích các phương tiện cá nhân còn hệ thống cơ sở hạ tầng tồi tàn với chỉ vài vỉa hè tươm tất.
“Tàu điện ngầm sẽ không giảm lưu lượng giao thông ngay lập tức vì thay đổi văn hóa và thái độ là điều không dễ dàng”, ông Hendi Bowoputro, chuyên gia giao thông công cộng tại Đại học Brawijaya, nhận định.