Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” đang được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện.
Trước khi cấm xe máy hoạt động trong trung tâm thành phố và năm 2030, TP Hà Nội dự kiến thí điểm cấm xe máy theo giờ từ thứ 2 đến thứ 6 trên các trục đường hướng tâm có đủ phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Theo đó, vào giờ cao điểm, xe máy sẽ bị cấm hoạt động trên tuyến đường Nguyễn Trãi (ưu tiên xe buýt) đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng vào năm 2019-2020.
Tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy, sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động (dự kiến sau 2020), xe máy cũng bị cấm vào giờ cao điểm.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng dự kiến nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến phố như Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt), đường Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có trên 5,7 triệu mô tô và khoảng 650.000 ô tô. Để tiến tới cấm xe máy hoạt động trong nội thành, TP Hà Nội cũng nghiên cứu việc không đăng ký xe máy mới ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ vào năm 2020.
Sau thời gian thí điểm không đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành vào năm 2020, TP Hà Nội sẽ mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm, Đông Anh năm 2025.
Đề cập đến đề án phân vùng hoạt động xe máy, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, quá trình thảo luận hoàn thiện đề án, các chuyên gia cũng cho rằng, lựa chọn phương tiện là quyền của mỗi người nhưng phải phù hợp với yêu cầu lợi ích chung chứ không phải cứ thích là đi được.
Ông Viện mong muốn ngành GTVT TP Hà Nội sớm nghiên cứu hoàn thiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân trong nội thành chứ không phải đưa ra để làm khó cho người dân.