Cần điều tra bài bản
Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Bộ môn Vận tải đường bộ TP, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, việc triển khai thực hiện lệnh cấm xe máy ở Hà Nội cần phải được xem xét cẩn trọng, ông nói: “Cũng không nên cấm ngay mà phải hạn chế trước về không gian, thời gian chứ bây giờ nói cấm nhưng chưa có một điều tra bài bản nào sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tham gia giao thông”.
Theo ông Sùa, trước mắt, cần phải thực hiện nghiêm việc phân luồng giao thông, từ đó mình hạn chế dần. Việc thực hiện phải tính toán tới lợi ích của từng hành khách đi bằng phương tiện công cộng hay phương tiện cá nhân: “Hướng phát triển bền vững của đô thị là phải lấy vận tải hành khách công cộng có sức chứa lớn làm định hướng chứ cấm cái này mà không phát triển cái kia thì sẽ trở thành mệnh lệnh hành chính, không có sức thuyết phục cao”, ông nói.
Chuyên gia này cho rằng việc triển khai cấm xe máy nên triển khai theo “vết dầu loang”, tức là cấm từ trung tâm phát triển ra chứ không phải từ ngoài vào; cấm theo vùng chứ không cấm theo trục đường. Ví dụ, hiện nay TP Hà Nội đang thực hiện cấm ở phố đi bộ ở Bờ Hồ thì có thể phát triển ra như tới khu vực Vành đai 1 rồi tiếp tục phát triển thêm chứ không nên cấm 2 tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương:
“Đó là những tuyến đường độc đạo, mình cấm thế nào được! Chủ trương là đúng nhưng khi thực hiện thì phải làm sao đó cho đồng bộ. Chúng ta chỉ có phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng thì vẫn phải tăng cường vận tải công cộng lên chứ bây giờ nói cấm mà trong lúc phương tiện công cộng vẫn đứng im tại chỗ thì người dân khi cấm xe máy có thể chuyển sang ô tô, càng tắc đường hơn, càng tệ hại hơn nữa! “, GS Sùa nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng khi nào phát triển được hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân thì lúc đó biện pháp hành chính mới có hiệu quả.
Có thể gây khó khăn cho người dân
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra rằng: Hạn chế xe cá nhân là xu thế tất yếu của các thành phố lớn, hiện đại.
Tuy nhiên, việc này phải đi kèm với điều kiện hạ tầng giao thông công cộng phát triển đồng bộ, đủ khả năng thay thế. Khi hạ tầng giao thông công cộng có đủ khả năng thay thế phương tiện cá nhân rồi thì người dân sẽ có điều kiện lựa chọn hoặc là phải sử dụng phương tiện cá nhân của mình trong điều kiện khó khăn hơn hoặc sử dụng phương tiện công cộng thuận lợi hơn.
Với đề xuất thí điểm cấm xe máy ở tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, theo ông Cường có thể thấy 2 tuyến đường này có được hệ thống phương tiện công cộng rất thuận lợi là hệ thống đường sắt trên cao và BRT.
Có điều, những phương tiện này chỉ giúp cho những người nào di chuyển ở dọc tuyến thì có thể thay thế phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Còn với những người mà quá trình di chuyển trên đó chỉ là bước trung gian để tới các địa điểm khác mà các địa điểm đó lại không có được những phương tiện kết nối công cộng tiện lợi thì không thể nói rằng phương tiện công cộng đã thay thế được phương tiện cá nhân. Và khi đó sẽ gây khó khăn cho người dân.
PGS.TS Hoàng Văn Cường tán thành với quan điểm thay vì lệnh cấm, cần phải có những biện pháp để khuyến khích người dân sử dụng hệ thống phương tiện công cộng thay thế và khi hệ thống tương đối đồng bộ thì mới nghĩ đến biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo ông Cường, chính quyền có quyền ra lệnh cấm nhưng chính sách có đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của người dân hay không mới là điều quan trọng.