Truyền thông Hy Lạp ước tính có hơn 200.000 người lao động, phần lớn trong đó là những người mới đi làm, đang phải nhận tới 25% tiền lương dưới hình thức này.
Phiếu mua hàng... thay lương
Các loại phiếu mua hàng chủ yếu để mua thực phẩm tại siêu thị và tổng giá trị ước tính của chúng lên tới 300 triệu euro/năm. Việc trả một phần tiền lương bằng phiếu mua hàng không làm phát sinh một loại thuế nào cho doanh nghiệp đồng thời giúp họ được miễn các khoản đóng góp thuộc trách nhiệm của giới chủ.
Trên thực tế, việc thay một phần tiền lương của người lao động bằng hình thức phiếu mua hàng là điều bị cấm. Đối với Chính phủ Hy Lạp, các loại phiếu mua hàng dưới hình thức séc mua thực phẩm chỉ đơn thuần là một loại quyền lợi bổ sung cho người lao động và khoản này không tính vào tiền lương chịu thuế thuộc trách nhiệm của giới chủ.
Bộ Lao động Hy Lạp, cơ quan chịu trách nhiệm thụ lý các vụ kiện liên quan đến vấn đề lao động cho biết việc phân phối các phiếu mua hàng chỉ được áp dụng nếu nó mang tính chất như một khoản thưởng bổ sung và không được phép thay thế tiền lương thường xuyên. Các doanh nghiệp nước này bị bắt buộc phải trả lương cho nhân viên của họ qua hệ thống tài khoản ngân hàng nhằm ngăn chặn việc doanh nghiệp không hoặc chỉ trả một phần lương cứng cho người lao động.
Một quan chức Bộ Lao động Hy Lạp cho biết các thanh tra lao động đang phối hợp với cơ quan điều tra tội phạm về tài chính (SDOE), cơ quan thuế và cơ quan độc lập về thu nhập trong lĩnh vực công và cơ quan kiểm toán để kịp thời đưa ra hành động đối phó với các vụ vi phạm quyền của người lao động.
Nghị sĩ châu Âu người Hy Lạp Sotiris Zarianopoulos mới đây đã đưa tình trạng lén lút trả lương bằng phiếu mua hàng lên Ủy ban châu Âu (EC). Nghị sĩ Zarianopoulos lưu ý sự vi phạm trên chỉ là một mặt của “tình trạng rối ren trong thị trường lao động” mà đây là hệ quả của chính sách khắc khổ mà EU áp đặt với Hy Lạp. Một phát ngôn viên của EC cho rằng nếu các phiếu mua hàng được sử dụng một cách đúng đắn sẽ đem đến nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội.
Đại biểu trung dung Charis Theocharis lại nhận định rằng những trường hợp sử dụng không đúng mục đích các loại phiếu mua hàng không phải là số đông và vì vậy không thể bác bỏ việc thực hiện biện pháp này và nó rất có giá trị đối với một số người lao động. Đại biểu này cho rằng đó chính là công cụ giúp cải thiện điều kiện cũng như tăng năng suất lao động một khi tất cả các nguyên tắc pháp lý được tôn trọng. Các doanh nghiệp phát phiếu mua hàng cho nhân viên với lý do để cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và an ninh thông qua việc đảm bảo đầy đủ về lương thực cho người lao động.
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp có cơ hội tăng lợi nhuận vì chính sách trên có thể giúp họ không phải trả các khoản thuế thuộc trách nhiệm của giới chủ, ngược lại còn được hưởng nhiều chính sách giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Thị trường lao động Hy Lạp đang trong tình trạng khó khăn sau 7 năm thực hiện chương trình “thắt lưng buộc bụng” theo yêu cầu của các chủ nợ. Nhiều chủ doanh nghiệp đã tranh thủ tình hình đưa ra các điều kiện lao động ngặt nghèo và đôi khi bất hợp pháp...
Thông qua gói cứu trợ cho Hy Lạp
Eurozone mới đây đã thông qua gói cứu trợ 8,5 tỷ euro cho Hy Lạp, kịp thời điểm để nước này có thể thanh toán khoản nợ gần 7 tỉ euro đáo hạn vào giữa tháng 7.
Giám đốc điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) Klaus Regling cho biết quyết định của ESM cho thấy Hy Lạp đã hoàn thành các cải cách theo đòi hỏi ở giai đoạn này. Theo ông Regling, Chính phủ Hy Lạp cần tiếp tục cải cách để xây dựng lại một nền kinh tế cạnh tranh và lấy lại sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Ủy viên EU phụ trách kinh tế Pierre Moscovici đánh giá cao sự hợp tác của các bên, đồng thời nhận định gói viện trợ này sẽ mở ra một chương mới cho Hy Lạp với nhiều việc làm hơn, tăng đầu tư và khôi phục kinh tế mang lại lợi ích cho toàn thể người dân.
Tháng trước, 19 bộ trưởng tài chính của Eurozone đã đạt được thỏa thuận cho phép khởi động giai đoạn ba của chương trình cứu trợ Hy Lạp với số tiền lên đến 86 tỉ euro, vốn được ký kết từ năm 2015 nhưng bị đình trệ nhiều tháng qua vì những bất đồng giữa các nước thành viên Eurozone với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Để đạt được thỏa thuận này, nhiều năm qua, Chính phủ Hy Lạp đã phải thực hiện một loạt biện pháp cải cách khắc khổ nhằm đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ.