Huyền thoại tuổi thanh xuân

Hình ảnh 10 cô gái Đồng Lộc. (Ảnh tư liệu)
Hình ảnh 10 cô gái Đồng Lộc. (Ảnh tư liệu)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự án nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ tái hiện lại câu chuyện xảy ra tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, năm 1968, trên tuyến đường huyết mạch 15A, nơi 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) đã sống, chiến đấu, học tập, lao động sản xuất và anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm liên tục thông đường cho các đoàn xe chở vũ khí, lương thực từ miền Bắc tiến vào chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khúc tráng ca về tinh thần bất khuất của thanh niên xung phong

Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, “Ngã ba Đồng Lộc” được nhắc đến như một khúc tráng ca về tinh thần bất khuất, anh hùng của lực lượng TNXP trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, đúng 55 năm về trước đã chứng kiến sự ngã xuống đầy anh dũng của 10 cô gái TNXP.

10 cô gái TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc ấy thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, bao gồm: Võ Thị Tần (24 tuổi, Tiểu đội trưởng), Hồ Thị Cúc (24 tuổi, Tiểu đội phó), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi), họ đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ. Cùng với các chị còn có hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi con đường huyết mạch này.

10 cô gái đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Càng cảm động hơn nữa khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Thương xót người em, người đồng đội, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào viết bài thơ: “Cúc ơi” trong lúc đồng đội tìm thi thể cô: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/Cúc ơi! Em Xanh/A trưởng Võ Thị Tần đã điểm danh/Chỉ thiếu mình em/Chín bỏ làm mười răng được/Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc/Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng/Cúc ơi! Em ở đâu?.../… Gọi em/Gào em/Khản cổ cả rồi/Cúc ơi!”.

Sự hy sinh của 10 nữ TNXP, tinh thần xả thân của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân thuộc các lực lượng tại chiến trường Đồng Lộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện khát vọng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam. Tất cả sẽ được tái hiện trong không gian nghệ thuật của “Huyền thoại tuổi thanh xuân”.

Dự án nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được đạo diễn Lê Quý Dương ấp ủ từ lâu và nhân duyên khi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tin tưởng, tạo điều kiện để chương trình công diễn thường xuyên tại sân khấu Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam (Hà Nội). “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được dàn dựng trong năm nay đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc (1968 - 2023), kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, là sự tri ân và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ.

Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). (Ảnh Văn Sắc- TTXVN)
Lực lượng dân công hoả tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra

chiến trường tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). (Ảnh Văn Sắc- TTXVN)

Đạo diễn Lê Quý Dương cho hay, 10 nữ anh hùng tại Ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh khi còn đang ở lứa tuổi thanh xuân. Người nhỏ nhất 17 tuổi và người lớn nhất mới 24 tuổi. Do đó, vở kịch truyền đi thông điệp sâu sắc tới các thế hệ trẻ hôm nay rằng: “Hãy sống một đời đáng sống”.

Dựng lại câu chuyện bất tử của 10 nữ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là một thách thức lớn, như lời đạo diễn Lê Quý Dương nói, bởi họ đã là nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo thành công ở nhiều loại hình nghệ thuật, nhưng anh tự tin rằng mình sẽ mang đến một góc nhìn khác cho khán giả, mang đến thông điệp có ý nghĩa với thế hệ trẻ hôm nay, trong bối cảnh thế giới vẫn đang có chiến tranh và xung đột tàn khốc.

Như được sống trong không gian của Ngã ba Đồng Lộc

Sau gần một tháng nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu lịch sử và sách vở ghi chép lại của nhiều tác giả, các chuyến khảo sát trực tiếp tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc năm xưa, thăm và làm việc với Ban Quản lý Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, được gặp gỡ và chia sẻ với các nhân vật lịch sử còn sống như nhà thơ Yến Thanh, nữ chiến sĩ TNXP Nguyễn Thị Hường, người đã trực tiếp cùng sống và chiến đấu với 10 nữ anh hùng liệt sĩ trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, được trò chuyện với anh Đoàn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, chị Đặng Thị Yến, nguyên Phó Trưởng Ban Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Nhà văn Ngô Thảo thuộc Đoàn Pháo binh 4011B và các lãnh đạo của Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, đạo diễn Lê Quý Dương đã tìm thấy trong sâu thẳm cảm xúc của mình.

Kể về hành trình viết kịch bản “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, đạo diễn Lê Quý Dương xúc động: “Tôi đã viết toàn bộ kịch bản này trong đúng 30 giờ. Quá trình viết, tôi thấy như từng nhân vật, sự kiện, tình huống và chi tiết của 10 cô gái TNXP như hiện ra trước mắt mình, mách bảo, chỉ đường cho tôi viết. Tôi có cảm giác ai đó đang mượn ngón tay mình để viết ra. Với tư cách là một nhà viết kịch chuyên nghiệp, tôi khám phá cho mình một cảm xúc rất mới. Cảm xúc các nhân vật đang nhập vào tôi và mượn tôi để viết ra câu chuyện, tâm tư, tình cảm và từng lời nói của họ. Tôi thấy sáng tạo đang đi qua tôi, chứ không đi từ tôi. Tôi không áp đặt chủ quan của mình vào đời sống của nhân vật. Tôi để cho họ nguyên bản, sống cùng tôi và chia sẻ với tôi những gì họ muốn”.

Ekip dự án nghệ thuật tuyển chọn 10 nữ diễn viên một cách gắt gao và kiên định để vào vai của mười cô gái Đồng Lộc. Mục tiêu của việc tuyển chọn là phải tìm ra được 10 cô gái đang ở độ tuổi từ 18 đến 24, đúng với lứa tuổi của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc năm xưa. Điều quan trọng hơn là đạo diễn muốn tuyển những diễn viên vào được vai của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc thì trước hết có nét giống về diện mạo, nhân dáng và hơn thế, có tính cách và cảm xúc giống với nhân vật. “Quan điểm dàn dựng trong vở diễn này cũng có sự khác biệt so với các chương trình khác. Tôi không hướng tới việc chọn 10 nữ diễn viên có kỹ thuật diễn xuất giỏi để nhập vai 10 nữ liệt sỹ mà tìm kiếm những người đủ nhạy cảm và sự chân thật để mang lại cảm xúc cho khán giả”, đạo diễn Lê Quý Dương nhấn mạnh. Điều đặc biệt, đạo diễn Lê Quý Dương còn mời NSND Hoàng Cúc để vào vai phần “Lời thì thầm kể chuyện” trong vở diễn.

Về dàn dựng sân khấu, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, anh cùng với đội ngũ thiết kế sẽ tạo nên một bối cảnh để khán giả bước vào như được sống trong không gian của Ngã ba Đồng Lộc chứ không đơn thuần là bối cảnh sân khấu. Từ ý tưởng này, đạo diễn Lê Quý Dương đã vô cùng kỳ công khi phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích Đồng Lộc để chuyên chở 5 tấn đất thật lấy từ chiến trường Ngã ba Đồng Lộc năm xưa ra Hà Nội. Năm tấn đất sẽ được đóng vào các bao tải lớn nhỏ để đạo diễn bố trí cảnh trí. Trang trí sân khấu sẽ là một tác phẩm mỹ thuật sắp đặt độc đáo và đặc biệt có giá trị lịch sử sâu sắc.

5 tấn đất thật từ Ngã ba Đồng lộc được chuyển lên sân khấu nhằm mang đến trải nghiệm có thật cho diễn viên và khán giả xem vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân. (Ảnh BTC)

5 tấn đất thật từ Ngã ba Đồng lộc được chuyển lên sân khấu nhằm mang đến trải nghiệm có thật cho diễn viên và khán giả xem vở diễn Huyền thoại tuổi thanh xuân. (Ảnh BTC)

Điều thú vị, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã tặng ekip thực hiện “Huyền thoại tuổi thanh xuân” một vỏ bom ông đã sưu tầm mua tại một cửa hàng sắt phế liệu ở ngay chính Ngã ba Đồng Lộc và chở về Hà Nội để sắp đặt mỹ thuật cho chương trình.

Tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương bùi ngùi: “Chúng ta cần biết rằng trong mỗi tấc đất tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc có dấu vết đạn bom và lẫn xương, máu, thịt đã của hơn 4.000 người đã hy sinh. Đây là một điều có thật chứ không phải hình tượng hoá. Bởi vậy, việc lấy 5 tấn đất thật đưa vào sắp đặt trang trí mỹ thuật trong chương trình có giá trị lịch sử, đặc biệt khi vở diễn được dàn dựng và diễn thường xuyên tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Khán giả và du khách tới thăm bảo tàng sẽ cảm nhận về điều này một cách rất tâm linh trước câu chuyện thiêng liêng của 10 cô gái TNXP anh hùng tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc. Hơn thế rất nhiều, tôi muốn tạo nên cảm xúc chân thực và sâu lắng nhất cho các bạn diễn viên trẻ khi diễn trên chính những lớp đất của chiến trường Ngã ba Đồng Lộc năm xưa để họ thực sự được trải nghiệm và có ý thức rõ ràng rằng chương trình không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là tâm nguyện tri ân của thế hệ hôm nay dành cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho hay: “Điểm nhấn của chương trình chính là tái hiện câu chuyện lịch sử về những người con gái Việt Nam anh dũng, phơi phới tuổi thanh xuân, có tinh thần chiến đấu quật cường sẽ được diễn ra tại không gian bảo tàng, nơi có sự kết nối và trưng bày nhiều kỷ vật, hình ảnh về những đóa hoa nơi tuyến đầu trận địa. Đây là chương trình mà bảo tàng đặt nhiều tâm huyết, làm phong phú hơn các hoạt động của bảo tàng, thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế”.

Dự kiến, dự án nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ được ra mắt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 để phục vụ đông đảo khán giả và du khách.

Đọc thêm

Nhịp cầu Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản văn hóa

Chương trình có sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ, ca sĩ.
(PLVN) -  Dân ca Ví, Gặm Nghệ Tĩnh được hình thành và tồn tại qua bao thăng trầm lịch sử, đã minh chứng cho sức sống lâu bền của một sản phẩm văn hóa được sản sinh từ dân gian. Năm 2014 là dấu mốc đặc biệt cho chặng đường hình thành, bảo tồn, phát huy Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nỗ lực đưa làng du lịch ở Việt Nam vươn tầm quốc tế

Các làng quê Việt Nam có nhiều ưu thế để phát triển du lịch. (Ảnh minh họa. Nguồn: Bộ VH,TT&DL)
(PLVN) - Hiện nay, Việt Nam có hàng nghìn làng quê làm du lịch ở khắp cả nước. Trong đó có rất nhiều ngôi làng mang trong mình vẻ đẹp thiên nhiên trù phú, nền tảng văn hóa, lịch sử hàng trăm, hàng nghìn năm. Đây là một sản phẩm du lịch tiềm năng mà Việt Nam có thể khai thác để thu hút du khách quốc tế.

51 tác phẩm độc đáo tại triển lãm 'Sáng đạo trong đời'

Triển lãm "Sáng đạo trong đời" diễn ra từ ngày 21-28/11/2024 tại Trung tâm triển lãm Tràng Tiền (Hà Nội). (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Bằng những nét vẽ và cách thể hiện tinh tế trên các chất liệu hội họa, 12 hoạ sỹ tham gia triển lãm “Sáng đạo trong đời” đã tái hiện lại những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của Phật giáo theo cách riêng, đưa người xem vào một hành trình tâm linh độc đáo và cảm xúc.

Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 - tôn vinh văn hóa Việt

Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 "Ẩm thực kết nối” tôn vinh văn hóa Việt. (Ảnh: Thùy Dương)
(PLVN) - Với chủ đề "Ẩm thực kết nối”, Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 không chỉ là dịp giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa ẩm thực của các quốc gia, mà còn là cơ hội để thúc đẩy tôn vinh các đẹp văn hóa của Việt Nam, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, đẩy mạnh hình ảnh quốc gia và mở rộng, phát huy hơn nữa về tinh thần hợp tác quốc tế.

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.