Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng
Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình – Hồ Văn Linh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch quyết liệt trên tinh thần “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, huyện Hòa Bình đã thực hiện vượt 09 chỉ tiêu, đạt 07 chỉ tiêu và 02 chỉ tiêu gần đạt trong tổng số 18 chỉ tiêu. Đáng chú ý, các công trình, dự án động lực, nhất là điện gió, điện năng lượng mặt trời được đẩy nhanh tiến độ và đã đóng điện, hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện”.
Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình – Hồ Văn Linh. |
Theo đó, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao như: tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 65,026 triệu đồng (đạt 100,04% kế hoạch, tăng 11,46% so với cùng kỳ); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 15.682 tỷ đồng (đạt 128,56% kế hoạch, tăng 70,34% so với cùng kỳ); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp (Nông nghiệp chiếm 38,45%, Thương mại - Dịch vụ chiếm 31% và Công nghiệp – Xây dựng 30,55%).
Năm 2021, tổng diện tích gieo trồng lúa là 32.823ha, đạt 100,9% kế hoạch, ước sản lượng lúa là 197.883 tấn, đạt 101,48% kế hoạch, tăng 1,58% so với cùng kỳ. Việc xây dựng cánh đồng lớn đã đem lại hiệu quả tích cực; trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, huyện cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển,...
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 76.588 tấn, tương đương 104,92% kế hoạch, tăng 5,03% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm đạt 53.000 tấn, cá và thủy sản khác 23.588 tấn. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được triển khai nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao (hiện có 04 Công ty và 177 hộ đang đầu tư, với diện tích thả giống là 991,27ha, sản lượng ước đạt 15.500 tấn).
Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đã giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản đạt tỷ lệ khá cao trên 93,5%; công tác xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, đến nay đã đạt 8/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Đối với việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện có 16 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 11 sản phẩm đạt 3 sao và 5 sản phẩm đạt 4 sao. Đến nay đã hoàn thành đánh giá cấp huyện 1 sản phẩm, đã gửi hồ sơ trình Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, đến nay có 29/33 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nhất là sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Lãnh đạo tỉnh và Chủ tịch huyện Hòa Bình (thứ hai, từ phaỉ sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện. |
“Công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 được triển khai đầy đủ, kịp thời. Công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội được các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, nhất là đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra các sự kiện trọng đại của huyện nói riêng và cả nước nói chung (như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026). Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn được chú trọng, thực hiện một cách tích cực, góp phần giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của người dân” – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình – Hồ Văn Linh nhấn mạnh.
Thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19
Theo Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình – Hồ Văn Linh, mục tiêu của huyện trong năm 2022 là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi và thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng nhanh quá trình đô thị hóa, mở rộng không gian đô thị; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển hợp lý, bền vững lĩnh vực công nghiệp (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo) với nông nghiệp sạch, công nghệ cao, gắn kết với phát triển mạnh mẽ về thương mại, dịch vụ và du lịch; từng bước hình thành các khu vực phát triển chuyên ngành phù hợp với yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Công tác xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, đến nay đã đạt 8/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. |
Tiếp tục thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở các xã ven biển đã được duyệt gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hạ tầng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ”.
Cùng với đó, thúc đẩy nghiên cứu, xúc tiến mạnh mẽ công tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ và kỹ thuật sản xuất phù hợp với từng đối tượng sản xuất. Đầu tư phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, BAP, CoC, ASC,...).
Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển hợp lý, bền vững lĩnh vực công nghiệp (năng lượng sạch, năng lượng tái tạo). |
Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bao gồm: hệ thống công trình thủy lợi (kênh, đê, đập, cống, ô đê bao, trạm bơm điện), hệ thống lưới điện 3 pha phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tập trung thực hiện các công trình thủy lợi, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, công trình phòng, chống xâm nhập mặn.
Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế; củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới ngành Y tế, nhất là mạng lưới y tế cơ sở…
Cơ cấu kinh tế đến năm 2022: Nông nghiệp 38%; Thương mại, dịch vụ 31%; Công nghiệp, xây dựng 31%; GRDP bình quân đầu người: 72,45 triệu đồng; Sản lượng lúa đạt 198.500 tấn; Sản lượng thủy sản đạt 84.800 tấn (trong đó, sản lượng tôm 57.000 tấn)... Xây dựng 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Bình); phấn đấu xây dựng 30 ấp nông thôn mới nâng cao, trong đó ít nhất 15 ấp kiểu mẫu; phấn đấu huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.