[links()] Trót nghe lời “đường mật” của các đại lý “nhảy việc” mà hủy ngang hợp đồng bảo hiểm, khách hàng không chỉ mất tiền mà còn mất luôn sự bảo vệ tài chính nếu không may xẩy ra sự kiện bảo hiểm.
Ảnh minh họa. |
Cảnh giác với đại lý thiếu trách nhiệm
Như Báo PLVN số ra ngày 22/2/2012 đã phản ánh, “cuộc chiến câu kéo” đại lý giờ đây không còn là câu chuyện riêng giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ mà đang tác động sâu sắc tới lợi ích của hàng vạn khách hàng.
Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục nhận được phản hồi từ bạn đọc tố giác các biểu hiện vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận đại lý bảo hiểm. Chị Trịnh Thị Hà (Mỹ Đình, Hà Nội) cung cấp cho phóng viên danh tính và đề nghị phóng viên làm rõ việc đại lý tự nhận là đại diện của nhiều công ty bảo hiểm cùng lúc; chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (Phương Mai, Hà Nội) cho hay có đại lý còn làm phiền gia chủ vì “kiêm thêm” nghề bán hàng đa cấp…
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này xin trở lại vấn đề đại lý xúi giục khách hàng hủy ngang hợp đồng đang diễn ra ở một số địa phương. Theo ghi nhận của chúng tôi, “mồi câu” của các đại lý này chủ yếu vẫn là quyền lợi kinh tế, đặc biệt là hứa hẹn trả lãi suất cao từ hợp đồng bảo hiểm mới.
Như PLVN đã thông tin trong kỳ báo trước, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, nhiều đại lý bảo hiểm xác nhận không ít khách hàng “mua bảo hiểm mà không hiểu gì về bảo hiểm”, thậm chí chẳng chịu đọc hợp đồng. Tâm lý này đã bị các đại lý “hớt váng” khai thác triệt để nhằm tăng doanh số.
“Đương nhiên lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, tuy nhiên, kể cả khi chúng tôi không muốn, thì câu hỏi đầu tiên của khách hàng với đại lý vẫn là lợi nhuận bao nhiêu. Chính vì vậy một đại lý có trách nhiệm phải tư vấn thật cặn kẽ để khách hàng hiểu rõ về sản phẩm. Mà có như vậy thì mới tránh được những khiếu nại, tranh chấp về sau” – một đại lý tâm sự.
“Mình mua bảo hiểm, phí đóng theo tháng và mới đóng được 2 tháng thôi nhưng giờ thấy không có thích bên đó lắm, nghe nói nếu xin rút thì mất trắng hết, nhưng có người làm trong ngành bảo hiểm thì bảo có cách lấy được. Nói thật họ bảo chỉ cần mình sang đóng ở bên bảo hiểm của họ thì họ có cách lấy lại tiền về cho mình, điều này có đúng ko hay họ đang cố tìm cách lôi kéo làm mất thì giờ của mình.
Mình cần hỏi gấp vì họ hẹn mình sáng mai lên công ty họ. Nếu thực sự không thể lấy lại được mà họ chỉ tìm cách gặp mình để cố thuyết phục mình chuyển đóng bảo hiểm thì mình còn biết đường từ chối gặp” – một thành viên chia sẻ trên diễn đàn webtretho. Câu trả lời là khách hàng này đang bị một đại lý thiếu chuyên nghiệp dụ dỗ chuyển sang một công ty khác. Tiếc rằng, không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng đặt ra các câu hỏi nghi vấn như vậy, cho nên mới để “mất tiền vì thiếu hiểu biết”.
Hai năm đầu không hoàn lại tiền phí
Trong bảo hiểm nhân thọ, giá trị hoàn lại là khoản tiền khách hàng nhận được khi hủy hợp đồng trước thời hạn được áp dụng cho những hợp đồng bảo hiểm của các sản phẩm có tham gia chia lãi (tức là có yếu tố tiết kiệm). Giá trị hoàn lại chỉ hình thành sau khi khách hàng đã nộp đủ hai năm phí bảo hiểm. Trong những năm đầu hợp đồng có hiệu lực, giá trị hoàn lại thường nhỏ hơn nhiều so với tổng số tiền phí bảo hiểm.
Lý do, theo quy định, phí bảo hiểm được tính toán dựa trên quyền lợi bảo hiểm cung cấp cho khách hàng cam kết trong hợp đồng bảo hiểm và các chi phí quản lý.
Trên thực tế, chi phí quản lý phát sinh không bằng nhau giữa các năm trong suốt thời hạn của hợp đồng bảo hiểm. Trong những năm đầu, các chi phí liên quan đến việc phát hành và quản lý hợp đồng bảo hiểm (còn được gọi là chi phí khai thác ban đầu) như: chi phí xét nghiệm y khoa, chi phí in ấn giấy tờ, hồ sơ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, v.v… lớn hơn rất nhiều so với chi phí phục vụ cho việc duy trì hợp đồng trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, phí bảo hiểm mà khách hàng nộp hàng năm là không thay đổi trong suốt thời hạn hợp đồng. Hay nói cách khác, chi phí khai thác ban đầu đã được chia đều cho tất cả các kỳ phí trong suốt thời hạn hợp đồng. Điều đó cũng có nghĩa là: chi phí thực tế trong những năm đầu của hợp đồng bảo hiểm thường cao hơn nhiều so với số phí thu được từ hợp đồng đó.
Thêm vào dó, do đặc thù của họat động bảo hiểm nhân thọ theo nguyên tắc “số đông bù số ít”, nên ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực thì bản thân hợp đồng cũng đã tham gia đóng góp vào quỹ bồi thường rủi ro chung trong thời gian khách hàng tham gia bảo hiểm. Vì vậy, trong hai năm đầu hợp đồng chưa có giá trị hoàn lại.
Trong những năm tiếp theo đó, giá trị hoàn lại cũng thường nhỏ hơn so với số phí đóng vào. Giá trị này sẽ tăng nhanh dần theo thời gian có hiệu lực của hợp đồng và bằng tổng số tiền được chi trả khi hợp đồng đáo hạn.
Tuy nhiên, cần nói rõ là dù trong những năm đầu chi phí phát sinh thực tế cao hơn nhiều so với số phí bảo hiểm thu được, nhưng yếu tố bảo vệ khách hàng trước những rủi ro bất ngờ xảy đến vẫn được các công ty bảo hiểm nhân thọ đảm bảo thực hiện đầy đủ theo thỏa thuận của hợp đồng.
Khi hợp đồng được phát hành, khách hàng được bảo hiểm ngay lập tức với số tiền bảo hiểm ghi trên hợp đồng. Vì vậy, khi trót nghe lời “đường mật” của các đại lý “nhảy việc” mà hủy ngang hợp đồng bảo hiểm, khách hàng không chỉ mất tiền mà còn mất luôn sự bảo vệ nếu không may xẩy ra sự kiện bảo hiểm.
Hà Hương