4 khía cạnh theo dõi trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp
Báo cáo các hoạt động triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình THPL năm 2017, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn cho biết, trong nhiệm vụ xây dựng thể chế đã tham mưu ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành (hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp) và lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp. Một trong những hoạt động quan trọng để thực hiện Kế hoạch là sẽ kiểm tra tình hình THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại 4 bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng); kiểm tra kết hợp với điều tra, khảo sát tình hình THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại 4 địa phương (Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Cà Mau).
Trong năm, Cục đồng thời sẽ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và đẩy mạnh hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để có ý kiến pháp lý đối với các vụ việc cụ thể phát sinh trong quá trình tổ chức THPL, có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định… Nhằm đảm bảo tính hiệu quả của Kế hoạch, Cục tập trung vào hàng loạt giải pháp từ các giải pháp về tổ chức, quán triệt việc thực hiện Kế hoạch đến các giải pháp về truyền thông, về nghiệp vụ và thu hút nguồn lực. Cục còn đề xuất Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với Cục trong triển khai Kế hoạch, bố trí nguồn lực tổ chức các hoạt động của Kế hoạch, đặc biệt trực tiếp chủ trì các cuộc họp quán triệt, triển khai các giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.
Riêng đối với lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành, cũng theo ông Sơn, sẽ xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, của các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Kế hoạch và làm việc với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm thống nhất phương hướng, nội dung phối hợp giữa hai cơ quan. Theo đó, có thể phối hợp với VCCI lựa chọn một số doanh nghiệp khởi nghiệp điển hình để thực hiện hỗ trợ pháp lý trực tiếp, tập trung vào 4 vấn đề về vốn, đất đai, lao động, khoa học kỹ thuật.
Về định hướng xây dựng đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL, ông Sơn chia sẻ mục tiêu tổng quát của đề án là tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong tổ chức THPL nhằm đảm bảo cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh, thống nhất, gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng và tổ chức THPL, tạo ra những chuyển biến thực sự trong tổ chức THPL góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cục đặt ra mốc thời gian hoàn thành dự thảo đề án sau khi tiến hành một số hoạt động (xây dựng các báo cáo chuyên đề; điều tra, khảo sát tình hình thi hành, tổ chức THPL và theo dõi THPL…) là vào cuối năm 2017.
Phù hợp với quyết tâm của Chính phủ
Các đại biểu tham dự cuộc họp nhất trí với nội dung, cách thức triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình THPL và đề xuất thêm một số ý kiến hoàn thiện. Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Văn Đạt cho rằng, năm 2017 cũng cần tập trung nghiên cứu xây dựng thể chế theo hướng nâng tầm cho Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và mong muốn tới đây những báo cáo, đánh giá của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương về theo dõi tình hình THPL không chỉ dừng ở việc kiến nghị.
Qua khảo sát thực tiễn, Q.Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nêu lên nhiều vấn đề cần cải thiện để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp – lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành của năm 2017. Cụ thể là vẫn tồn tại cơ chế xin - cho, cách tiếp cận nguồn vốn, tình trạng thanh tra, kiểm tra quá nhiều, áp dụng pháp luật không thống nhất, còn tùy tiện… Nếu những vấn đề này được giải quyết thì theo ông Cương, doanh nghiệp sẽ khởi nghiệp một cách thuận lợi, không bị mất những chi phí không chính thức.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhìn nhận, THPL là câu chuyện không dễ dàng, đụng chạm đến nhiều thứ vốn đã ăn sâu bám rễ lâu nay nên để xây dựng đề án đổi mới phải có định hướng dài hơi. Đối với triển khai Kế hoạch năm 2017, Thứ trưởng đề nghị phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, tư duy trong tổ chức theo dõi THPL, cần phản ứng chính sách kịp thời với những vụ việc cụ thể, không để mất đi tính thời sự.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long hoan nghênh lĩnh vực theo dõi trọng tâm, liên ngành là chủ đề rất “trúng”, phù hợp với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu phải khẩn trương vào cuộc triển khai Kế hoạch để tìm ra, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tổ chức theo dõi THPL và nên chọn một số bộ, ngành, địa phương tập huấn triển khai Kế hoạch. Đồng tình với Thứ trưởng Ngọc, Bộ trưởng dẫn chứng một số vụ việc cụ thể như vụ cà phê Xin Chào và mới đây nhất là vụ sinh viên mang giáo trình photo vào trường Đại học Luật TP HCM đều nảy sinh những tình huống pháp lý, đòi hỏi phải có phản ứng chính sách kịp thời cùng với công tác truyền thông.
Về đề án đổi mới, Bộ trưởng chia sẻ đây là nhiệm vụ lớn, khó nhưng trong bối cảnh Hiến pháp 2013 và các đạo luật về tổ chức bộ máy thì cần rà soát những nội dung liên quan đến hoạt động THPL trong các văn bản này. Điểm lại một số vướng mắc giữa công tác xây dựng pháp luật và THPL, Bộ trưởng cũng kỳ vọng sẽ hướng tới xây dựng một đạo luật về THPL, làm công cụ xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh.