Cải cách thủ tục để tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ
Báo cáo nội dung Dự thảo Nghị định, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Phạm Tuấn Ngọc cho biết, công tác đăng ký hiện hành đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý tương đối toàn diện, đầy đủ trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản. Sở dĩ Dự thảo Nghị định có tên khá mới lạ (đăng ký biện pháp bảo đảm) là xuất phát từ các văn bản pháp luật được ban hành gần đây, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2015, có những sửa đổi, bổ sung mới liên quan đến biện pháp bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Ông Ngọc dẫn chứng, quy định về thời điểm đăng ký thế chấp, cơ quan có thẩm quyền đăng ký, quy trình đăng ký thế chấp của Luật Đất đai năm 2013, quy định về thế chấp và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của Luật Nhà ở năm 2014 chưa được cụ thể hóa ở Nghị định 83. Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có một số nội dung hoàn toàn mới như bổ sung 2 biện pháp bảo đảm gồm bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản; thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm… Vì vậy, để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các văn bản trên, Dự thảo Nghị định bổ sung biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thuộc đối tượng đăng ký; không quy định đăng ký đối với biện pháp cầm cố, đặt cọc, ký cược, ký quỹ (vì các biện pháp này có hiệu lực đối kháng từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm); tách bạch hai trường hợp phải đăng ký và đăng ký theo yêu cầu.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về đăng ký trực tuyến, quy định liên thông một số thủ tục trong quy trình đăng ký nhằm cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người yêu cầu đăng ký. Theo đó, dự kiến quy định thủ tục liên thông trong đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất với thủ tục đăng ký biến động đất đai, chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định khi thực hiện giao dịch phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sẽ đồng thời thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp với thủ tục ghi nhận sở hữu đối với tài sản trên Giấy chứng nhận. Về thủ tục đăng ký thay đổi với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai, dự kiến liên thông thủ tục đăng ký thay đổi với thủ tục chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận…
Phải giúp người dân nắm được tình trạng pháp lý của tài sản
Các đại biểu tham dự cuộc họp đều tán thành Dự thảo Nghị định chỉ nên quy định trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký và cần sớm hoàn thiện để thúc đẩy hoạt động cho vay có bảo đảm của nền kinh tế. Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định bắt buộc đăng ký đối với các giao dịch cho thuê tài chính. Bà Mai giải thích, nếu Dự thảo Nghị định đi theo hướng liệt kê các đối tượng đăng ký thì phải rà soát quy định pháp luật và thực tiễn hiện hành, trong khi giao dịch cho thuê tài chính đang là mảng rất lớn, quan trọng của hoạt động ngân hàng mà lại bị “bỏ” ra ngoài đối tượng đăng ký. Chuyên gia cao cấp Đinh Trung Tụng thì cho rằng cần mạnh dạn đổi mới về phương thức nộp hồ sơ, nghiên cứu xem có thể đơn giản được phương thức nào hay không, chẳng hạn như nộp hồ sơ qua fax, qua email thì quy định luôn chỉ còn phương thức nộp trực tuyến…
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nêu thực trạng hiện nay là người dân đi mua nhà, đất mà không biết được nhà, đất mình định mua có hợp pháp không. Bởi thế, Dự thảo Nghị định là rất cần thiết và Thứ trưởng hoan nghênh quy định công khai thông tin về biện pháp bảo đảm nhằm giúp cho người dân, doanh nghiệp có được thông tin kịp thời về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, việc công khai thông tin này là khác với việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu việc xây dựng Dự thảo Nghị định phải bám sát, hiểu đúng tinh thần quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 sao cho “không được từ chối đăng ký những gì mà đương sự muốn làm”. Đồng thời phải nghiên cứu giảm bớt thủ tục, giấy tờ trong đăng ký, như tính toán mối quan hệ với công chứng - nếu giấy tờ đã được công chứng, tức là đã qua giai đoạn kiểm tra, thậm chí đã xác mình thì không nhất thiết lại “bắt” xuất trình những giấy tờ ấy. Bộ trưởng cũng đề nghị cân nhắc bổ sung việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà thực tế đã phát sinh; có quy trình riêng xử lý đối với bất động sản đăng ký nhiều lần; có quy định “mở” đối với loại tài sản hiện chưa có nhưng tới đây sẽ có thì vẫn có thể áp dụng được trình tự, thủ tục tại Nghị định khi đã ban hành.