Bạn Bùi Thị Phương Thảo (email: thaophuong159@gmail.com) ngụ đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh hỏi: Mẹ tôi là chủ hộ, chết năm 2008, trong hộ khẩu lúc đó có tên chị gái Hà, tôi và em gái út tên Tâm. Tài sản miếng đất ở nhà tôi có tên là hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hỷ (mẹ tôi), chúng tôi đều sống trên địa chỉ này. Em Tâm lấy chồng và ở nhà chồng từ năm 2015 nhưng chưa chuyển khẩu.
Năm 2016, chị Hà tách riêng khẩu mới (với địa chỉ là miếng đất ở nơi khác) và vẫn sống tại nhà tôi, tiếp đó chị Hà lấy chồng và cả gia đình đều sống tại nhà tôi từ đó bất chấp sự không đồng ý của tôi và những thành viên khác.
Sự việc này tôi đã trình báo cơ quan công an TP Bắc Ninh rồi Công an tỉnh Bắc Ninh nhưng không thấy hồi âm? Gần đây có cán bộ thôn đến yêu cầu tôi điền phiếu thông tin về mã số định danh cá nhân để thay thế quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu.
Vậy xin hỏi trường hợp nhà tôi phải xử lý thế nào? Tôi có trách nhiệm đại diện cho hộ khẩu tên mẹ tôi để thực hiện các vấn đề liên quan đến quản lý dân cư bằng chứng thư số không?
Trả lời
Về thắc mắc liên quan đến trách nhiệm đại diện cho hộ khẩu để thực hiện các vấn đề liên quan đến quản lý dân cư, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) giải đáp như sau:
Do mẹ bạn là chủ hộ đã chết nên theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật cư trú sửa đổi bổ sung năm 2013 có quy định về điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu như sau: "Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ".
Như vậy, khi mẹ bạn đã chết, chị Hà đã tách riêng khẩu mới với địa chỉ là miếng đất ở nơi khác thì trên hộ khẩu của gia đình bạn chỉ còn tên của bạn và chị Tâm (do chị Tâm lấy chồng nhưng vẫn chưa chuyển khẩu). Việc thay đổi chủ hộ của bạn phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của chị Tâm có nội dung đồng ý để bạn làm chủ hộ thì thủ tục thay đổi chủ hộ của bạn mới hoàn thành. Và đến lúc đó bạn mới được đại diện cho hộ thực hiện các vấn đề liên quan đến quản lý dân cư.
Về việc tư vấn cách xử lý với trường hợp của gia đình bạn đọc. Luật sư Thịnh cho rằng:
Do tài sản nhà và đất của gia đình bạn là tài sản thuộc sở hữu chung của cả hộ gia đình bao gồm bà Hỷ, chị Hà, bạn và chị Tâm do vậy chị Hà cũng có một phần quyền sở hữu và sử dụng trong khối tài sản này.
Bên cạnh đó do bà Hỷ đã chết, bạn không cung cấp thông tin cho chúng tôi rằng trước khi chết bà Hỷ có để lại di chúc hay không. Chúng tôi giả sử rằng khi chết bà Hỷ không để lại di chúc thì theo pháp luật chị Hà cũng là một trong những người thừa kế của bà Hỷ trong khối tài sản thuộc sở hữu chung này.
Do đó mặc dù bà Hà đã tách khẩu nhưng bà Hà vẫn có một phần quyền sở hữu, sử dụng nhà đất này và bà Hà có quyền sống tại địa chỉ này dù không có sự đồng ý của bạn và chị Tâm. Bởi lẽ quyền sở hữu tài sản hoàn toàn độc lập với việc quản lý cư trú của công dân .
“Nếu bạn và những thành viên khác trong gia đình không đồng ý sự chung sống này thì các bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án chia tài sản sở hữu chung và chia phần thừa kế của mẹ bạn nếu không thể thương lượng hòa giải được với nhau”, luật sư Thịnh nói.
Do đây là quan hệ pháp luật dân sự nên việc bạn gửi đơn khiếu nại tại công an Thành phố Bắc Ninh, tiếp đó công an tỉnh Bắc Ninh là không đúng với thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Bởi theo Điều 2 Luật khiếu nại thì "khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái với pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình". "Vì vậy nếu có phản hồi thì họ chỉ có thể hướng dẫn bạn làm đơn ra cơ quan khác để được giải quyết theo quy định mà thôi", luật sư Thịnh tư vấn.