Năm 2021, toàn tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra 2.650 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở dịch vụ ăn uống, xử phạt vi phạm hành chính 214 cơ sở với số tiền trên 743 triệu đồng; tiến hành lấy 2.252 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm; cấp 230 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Năm 2022, các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về bảo đảm ATTP trong tình hình mới; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP. Phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi; xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính về ATTP đúng trình tự và thời gian.
Tại hội nghị đã triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2022 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5 trên địa bàn toàn tỉnh. Tháng hành động vì ATTP nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản bảo đảm chất lượng, an toàn; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, chất lượng công tác quản lý ATTP phải được nâng lên. Các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc kết nối cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối, kinh doanh để thực phẩm an toàn đến với người dân; chấn chỉnh các cơ sở giết mổ động vật, gia súc, gia cầm vi phạm ATTP; đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến ATTP, bếp ăn ATTP.
Công khai trên các phương tiện truyền thông các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm làm tốt cũng như cơ sở có vi phạm quy định về ATTP để người dân biết. Tiếp cận chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu về ATTP, trên cơ sở đó phân cấp quản lý ATTP một cách rõ ràng. Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra ATTP thuộc phạm vi liên ngành từ tỉnh đến tuyến cơ sở, tập trung vào việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.