Ngày 30/1, Cục Quân y Tổng cục Hậu cần đã tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm nâng cao công tác quản lý, điều trị chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện quân y”. Tham dự Hội thảo có Thiếu tướng Trần Duy Giang - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Ngài Katsuro Nagai - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ngài Teiko Nakai - Tùy viên Y tế Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các chuyên gia y tế hàng đầu của Nhật Bản. Đại tá Nguyễn Xuân Kiên - Phó Cục trưởng Cục Quân y cho biết: “Hiện nay, Quân đội có hơn 30 bệnh viện, với khoảng 12.000 giường bệnh, trong đó có một bệnh viện hạng đặc biệt trong tổng số 4 bệnh viện đặc biệt của cả nước. Các bệnh viện Quân đội được quan tâm đầu tư cả về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực có chất lượng và trang thiết bị y tế hiện đại.
Những năm qua, các bệnh viện Quân đội đã có bước phát triển khá rõ rệt trên nhiều mặt công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt, các bệnh viện Quân đội đã triển khai, làm chủ được một số kỹ thuật hiện đại tầm quốc gia và quốc tế như: Ghép thận (năm 1992), ghép gan (năm 2003), ghép tim (năm 2010), ghép phổi từ người cho sống (năm 2017)... Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Quân y Việt Nam luôn mong muốn và coi trọng hợp tác trong lĩnh vực y tế với Nhật Bản”.
Đầu năm 2017, sự kiện ghi dấu ấn cho y học kỹ thuật cao của ngành Y tế Việt Nam đó là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Người được ghép phổi là bệnh nhi 7 tuổi; bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) mỗi người tặng bé một phần phổi của mình để tạo thành 2 lá phổi cho con. Sự kiện này cũng ghi nhận sự hợp tác hiệu quả giữa Quân y Việt Nam và ngành Y tế Nhật Bản.
GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết: “Ngày 14/11/2016, Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận bệnh nhi Lý Chương Bình (7 tuổi, nặng 14kg, dân tộc Dao, ở Quản Bạ, Hà Giang), được Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển sang trong tình trạng giãn phế quản bẩm sinh lan toả 2 phổi. 2 lá phổi của bé trai giãn như 2 chùm nho 2 bên, chứa đầy nước, thường xuyên nhiễm trùng. Cháu bé mắc bệnh từ khi sơ sinh, phổi bị viêm đã ảnh hưởng tới chức năng của tim, với dấu hiệu suy tim nhẹ. Ngay từ khi 2 tháng, bé Bình đã có dấu hiệu khó thở, khóc to là tím tái. Các chuyên gia đầu ngành sau khi hội chẩn, chỉ định bệnh nhân phải ghép phổi do đã bị biến chứng hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ 3”.
Để thực hiện ca mổ, Học viện đã cử 3 bác sĩ sang Nhật học kinh nghiệm ghép phổi, từ khâu gây mê, phẫu thuật tới chạy máy để đảm bảo ca ghép thành công. Bệnh viện Quân y 103 cũng huy động toàn khoa bố trí mổ cấp cứu sang Viện Bỏng Quốc gia trong thời gian 5 ngày để tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực cho ca ghép này. Sau khi được vận động, bố và bác ruột cháu Bình đồng ý hiến mỗi người 1 thuỳ phổi dưới để ghép cho bệnh nhi. Ngày 21/2, Học viện đã tiến hành ca mổ với sự phối hợp của GS Oto Takahiro, ĐH Okayama, Nhật Bản. Ca ghép căng thẳng kéo dài 10 tiếng đồng hồ diễn ra từ 7h30 đến 17h30. Sau ca ghép thành công, cháu bé hồi phục tốt. Hiện nay sức khỏe của cháu bé bình thường.
Theo GS Quyết, phổi có 2 buồng, buồng trái có 2 thuỳ, buồng phải có 3 thuỳ. Phổi có chức năng giãn nở rất tốt nên khi cắt 1 thuỳ, một phần phổi, thời gian ngắn sau đó phổi có thể giãn nở chiếm đầy khoang. Do đó, việc hiến phổi không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thậm chí y văn từng ghi nhận, sau khi cắt một phần phổi, chức năng phổi của các bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính còn tốt hơn. Với ghép phổi, GS Quyết cho biết được chỉ định trên những bệnh nhân mắc bệnh phổi bẩm sinh, phổi kẽ, tăng áp lực động mạch phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính khi đã áp dụng các biện pháp không hiệu quả. GS Oto Takahiro cho biết, tỉ lệ ghép phổi sống sót sau 5 năm trên thế giới là 15%, tuy nhiên tỉ lệ này tại Trung tâm ghép tạng, ĐH Okayama là trên 80%.
TS Hoàng Văn Chương - Bộ môn Khoa Gây mê, BV Quân y 103, Học viện Quân y, người trực tiếp có mặt trong kíp mổ của cháu Bình cho biết, ca ghép phổi của cháu Bình là “trận đánh” thứ 5 của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103. Năm 1992, lần đầu tiên bệnh viện ghép thận, tới năm 2004 là ghép gan, năm 2010 ghép tim, năm 2014 ghép tụy thận và tới nay lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi. Theo chuyên gia Nhật, sau khi được ghép phổi, bé Bình có thể sống đến 60, 70 thậm chí 80 tuổi.
“Thành công ca ghép phổi đầu tiên đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên tầm cao mới”- đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm và chúc mừng bệnh nhân ghép phổi, người cho phổi cũng như các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103.
Theo Bộ trưởng, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện 103. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đặc biệt, thành công của ca ghép phổi đã mang lại hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống. Đây là thành tích đáng tự hào đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2” - Bộ trưởng khẳng định.