Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/7/2011, xe ô tô chở khách chạy với cự ly từ 500 km trở lên và xe container cũng bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình, gọi nôm na là thiết bị GPS, hay “hộp đen”.
Thực ra, không phải chờ đến khi có Nghị định 91, “hộp đen” mới được các doanh nghiệp (DN) vận tải quan tâm. Trước đây, một số DN đã tìm nhiều cách, cả về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng quản lý, để quản phương tiện và nhân sự. Chính vì thế, quy định về gắn thiết bị định vị được các DN vận tải đón nhận như một sự đương nhiên.
Chỉ có điều, đó là “sự đương nhiên” không dễ thành hiện thực một sớm một chiều, bởi lẽ hoạt động kinh doanh thiết bị GPS còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhưng thị trường cho thiết bị GPS là thị trường tiềm năng. Ước tính cả nước có hơn 30.000 xe vận tải thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt GPS, nên Nghị định 91 được coi là “cú hích” cho thị trường này. Dù vậy, giữa “trăm hoa đua nở”, DN không phải thích lắp đạt thiết bị nào thì lắp. Cả nước hiện có khoảng 20 DN “đón đầu” thị trường kinh doanh GPS. Hiện nay, chủ yếu các thiết bị này được nhập khẩu, từ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ..., và hầu như chỉ có một tính năng duy nhất là định vị. Để phù hợp với quy chuẩn Việt Nam, hầu hết các sản phẩm đều cần được phát triển và hoàn thiện thêm.
Đến nay, mới chỉ có 4 DN cung cấp thiết bị GPS được cấp chứng nhận hợp quy, đồng nghĩa với việc nhiều phương tiện phải chờ thiết bị hợp chuẩn. Gần đây, Chính phủ đã cho phép lùi thời gian xử phạt những phương tiện không lắp đặt “hộp đen” đến ngày 1/7/2013, nhưng việc lắp đặt vẫn phải thực hiện từ ngày 1/7 tới đây. Cơ quan quản lý vận tải sẽ kiểm soát việc này thông qua đăng ký, cấp phép kinh doanh vận tải.
Một vấn đề nữa liên quan đến thiết bị định vị, là bên cạnh các DN vận tải lớn đồng tình ủng hộ quy định lắp thiết bị định vị vì nhận thấy rất rõ tác dụng của chúng đối với nhà quản lý và với chủ xe, thì rất nhiều cá nhân kinh doanh vận tải đơn lẻ chưa biết và chưa nhận thức được quy định mới này của nhà nước, cũng như chưa nhận biết rõ những tiện ích mà thiết bị này mang lại cho mình trong quá trình sử dụng.
Hai năm nữa việc triển khai công tác kiểm tra và xử phạt mới chính thức thành hiện thực. Trong thời gian đó, biện pháp thực thi nào phù hợp đối với việc triển khai và vận hành thiết bị GPS? Một số ý kiến cho rằng, phương thức về kỹ thuật không phải là vấn đề, mà điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường nhận thức của các DN vận tải, các chủ xe về ưu điểm của việc ứng dụng thiết bị giám sát hành trình vào hoạt động kinh doanh của DN, để việc lắp đặt thiết bị từ đối phó trở thành ý thức thực thi.
Tuấn An